Đại sứ Franz Jessen tại Lễ ký khai trương dự án với một trong các đối tác thực hiện dự án
Ngày 18/2, ba dự án mới do EU tài trợ có tổng ngân sách 3 triệu euro, chính thức được khởi động, nhằm hỗ trợ Việt Nam và các nước láng giếng chống khai thác gỗ trái phép, thúc đẩy kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, cũng như sử dụng rừng bền vững tại Việt Nam. Các dự án này sẽ do các tổ chức xã hội dân sự châu Âu và Việt Nam thực hiện.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, tiến sĩ Franz Jessen - cho biết, Quy định về Gỗ của EU (có hiệu lực từ ngày 3/3/2013) và Hiệp định Đối tác tự nguyện là hai phần trong Kế hoạch Hành động của EU về tăng cường lâm luật, quản trị và thương mại (FLEGT) - một sáng kiến của EU về chống khai thác gỗ trái phép và cải thiện công tác quản trị rừng, mà Việt Nam là một trong các đối tác tiên phong của FLEGT tại châu Á. Đại sứ cho biết thêm: “Ba dự án này còn nhằm đóng góp cho việc đàm phán và tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vào việc thực hiện Hiệp định Đối tác Tự nguyện của FLEGT. Nó là quan trọng bởi sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự là một yếu tố then chốt của các Hiệp định này".
Được biết, Kế hoạch Hành động của EU về tăng cường lâm luật, quản trị và thương mại (FLEGT) lần đầu tiên có hiệu lực vào tháng 5/2003, đặt ra các quy định và biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro của việc đưa gỗ và các sản phẩm gỗ được khai thác phi pháp vào thị trường EU. Việt Nam chính thức tham gia đàm phán FLEGT với EU vào tháng 5/2010. Tới nay đã có ba vòng đàm phán được tổ chức. Các phiên thảo luận kỹ thuật, tham vấn bên liên quan và hỗ trợ kỹ thuật, như một phần của tiến trình đàm phán, đang được tiến hành với mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện EU-Việt Nam (VPA) vào cuối năm 2014.
Hiệp định VPA giữa Việt Nam và EU được kỳ vọng sẽ cung cấp một khuôn khổ pháp lý và hệ thống giám sát việc tuân thủ nhằm đảm bảo rằng toàn bộ gỗ được nhập khẩu vào EU từ Việt Nam đã được mua, khai thác, vận chuyển và xuất khẩu một cách hợp pháp. Điều này cũng sẽ giúp củng cố tiến trình cải cách thể chế, quá trình thực thi luật pháp trong ngành lâm nghiệp và tăng cường hình ảnh quốc gia cũng như thương hiệu của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam; Đồng nghĩa với việc, đảm bảo gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam có thể duy trì được chỗ đứng trên thị trường EU trong khi tăng cường tiếp cận tới các thị trường khác.
Các quy định về lâm nghiệp với các sản phẩm về gỗ của EU rất mở. Ông Christian Schriver - Quản lý khu vực Đông Nam Á của EU, cho rằng, các doanh nghiệp lớn có thể có năng lực, nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo được rằng các nguyên liệu, sản phẩm của họ đáp ứng được yêu cầu, nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp.
Với mục tiêu Hiệp định VPA hướng tới, ông Christian Schriver cho hay, ba dự án mới của EU sẽ tập trung hỗ trợ các DN vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này cần những nguồn lực hỗ trợ. Họ cần xây dựng năng lực để hiểu được làm thế nào để thu gom gỗ, mua gỗ cũng như quy trình sản xuất của họ đáp ứng được những yêu cầu về mặt pháp lý để có thể xuất khẩu được sang thị trường EU. Các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu EU có trách nhiệm phối hợp với các nhà xuất khẩu Việt Nam để đảm bảo rằng các DN Việt Nam sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như nguồn gốc gỗ hợp pháp./.
Ông Christian Schriver - Quản lý khu vực Đông Nam Á của EU: Các nước cung cấp sản phẩm lâm nghiệp cho EU đều có phương thức tiếp cận thị trường rất khác nhau. Làm ăn với EU, điều quan trọng là Việt Nam phải sàng lọc, xây dựng được cách tiếp cận riêng. |
Hải Vân