ác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm năm 1955
Văn hóa - động lực của phát triển kinh tế xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Với các doanh nhân, Bác luôn căn dặn phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa DN, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ.... Phải phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật, tăng cường kỷ luật lao động, nâng cao năng suất và thực hành tiết kiệm. Bác dặn phải dân chủ, phải công khai, phải xây dựng và phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể trong DN.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, DN, doanh nhân Việt Nam. Nội dung các bài nói, viết, thư… ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, DN phát triển. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các DN, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất....
Trong bài Hoan nghênh Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp trên báo Nhân dân số ra ngày 9/11/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, DN, đó là “phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân...” (Báo Nhân dân, số 616, ngày 9/11/1955).
Đối với người lao động trong xí nghiệp, DN, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cần phải học nhiều thứ: chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ. Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo..., có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hàng ngày, đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những nhân tố và đơn vị tiên tiến. Người tiên tiến cũng là những người lao động bình thường, nhưng trong tư tưởng, trong phương pháp làm việc của họ có những điểm tốt có thể giúp cho sản xuất và công tác tiến nhanh, tiến mạnh. Chúng ta phải vì lợi ích chung mà dốc lòng học tập những điểm tốt ấy để cải tiến công tác một cách thường xuyên.... Như vậy là làm cho sáng kiến, kinh nghiệm chung ngày càng dồi dào, trình độ tư tưởng, tổ chức, kỹ thuật chung ngày càng nâng cao. Do đó, sản xuất phát triển ngày càng nhanh và vững.
Văn hóa - yếu tố ảnh hưởng đến sự trường tồn của doanh nghiệp
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là một di sản vô cùng quý báu, đã và đang định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tư tưởng của Người về văn hóa có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với xây dựng văn hóa DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Thứ nhất, hình thành và phát huy văn hóa DN, trước hết phải dựa vào con người. Bởi văn hóa DN không phải là kết quả của sự phát triển tự phát trong quá trình sản xuất kinh doanh mà được định hướng xây dựng và hình thành trong ý thức tự giác của người quản lý và các thành viên trong DN. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong văn hóa DN thì văn hóa doanh nhân là hạt nhân. Mọi sự thành bại của DN đều do doanh nhân tốt hay kém. Gắn với văn hóa doanh nhân là văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hóa trong các tổ chức đảng và các tổ chức chính trị, xã hội của DN.
Thứ hai, DN cần nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển. Sự phát triển của DN có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Văn hóa không chỉ là kết quả mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của DN. Phải đặt phát triển văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế. Làm tốt được yêu cầu này sẽ tạo được vị thế của DN, khẳng định thương hiệu đối với xã hội và hội nhập nhanh hơn với quốc tế.
Thứ ba, mỗi DN cần xây dựng văn hóa cho DN mình trên nền nhận thức và hiểu biết chung về văn hóa. Văn hóa DN không chỉ là xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, mà điều có ý nghĩa quan trọng là phát huy và thực hành dân chủ, quản lý dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề dân chủ, sáng kiến và hăng hái có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Sáng tạo và phát minh của con người tức là văn hóa. Những sáng kiến đó được áp dụng và khen ngợi sẽ giúp những người có sáng kiến đó càng thêm hăng hái.
Thứ tư, chú trọng khía cạnh đạo đức trong xây dựng văn hóa DN. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Có tài nhưng phải có đức. Có tài mà không có đức là có hại cho nước. Đạo đức hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nêu cao ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Mỗi DN cần xây dựng triết lý DN như là nét riêng, bản sắc của DN. Bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là nét văn hóa DN vừa góp phần phát triển bền vững.
Thứ năm, xây dựng quan niệm hướng tới thị trường và luôn có trách nhiệm với xã hội trong xây dựng văn hóa DN. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, mỗi DN phải tích cực ủng hộ, tài trợ cho sự nghiệp giáo dục, văn hóa, thúc đẩy khoa học, kỹ thuật phát triển và tiến bộ. Thông qua các hoạt động nhân đạo và văn hóa, hình ảnh của DN trở nên tốt hơn.
Lịch sử đã minh chứng, thành công hay thất bại của mỗi DN đều gắn với việc có hay không văn hóa DN. Do vậy, hơn lúc nào hết, để DN phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc chú trọng chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa, cũng như lợi nhuận thu được, phải xây dựng văn hóa DN, trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là kim chỉ nam soi đường cho việc xây dựng văn hóa DN trong thời kỳ hội nhập./.
Theo Tạp chí Cộng sản