Như vậy, sau 6 năm nỗ lực đàm phán (từ tháng 11/2011), những vấn đề cơ bản, cốt lõi của Hiệp định đã được thống nhất. Với 10 phiên cấp cao, 18 phiên cấp kỹ thuật, Việt Nam và EU đã cơ bản kết thúc toàn bộ các nội dung của Hiệp định VPA/FLEGT, chỉ còn một số vấn đề nhỏ thuộc các phụ lục kỹ thuật sẽ được các chuyên gia đàm phán hoàn thiện trong một vài tháng tới. Sau khi hoàn tất, cả hai bên sẽ tiến hành các thủ tục nội bộ của mỗi bên liên quan tới việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định. Việt Nam- EU kỳ vọng có thể khởi động thủ tục phê chuẩn Hiệp định trong năm 2017.
Để triển khai Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS - Đây là nội dung quan trọng nhất của Hiệp định) và các biện pháp khác như đã cam kết trong Hiệp định, bao gồm việc ban hành các văn bản pháp luật cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, tăng cường các cơ chế phối hợp hiệu quả để phát hiện các hành vi, vi phạm và đảm bảo thực thi pháp luật liên quan đến định nghĩa gỗ hợp pháp cũng như sự tham gia của các bên trong quá trình thực hiện Hiệp định .
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định “Sau khi VNTLAS được vận hành một cách đầy đủ sẽ góp phần quan trọng đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp xuất khẩu vào EU thông qua giấy phép FLEGT. Đây là “ giấy thông hành” để các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế Gỗ EU, thúc đẩy quản lý rừng bền vững và phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Việt Nam”.
Ông KarmenuVella cũng nhấn mạnh “Ngay bây giờ chúng ta cần tập trung vào việc thực thi nhằm đảm bảo VPA này đạt được các mục tiêu về xã hội, môi trường và kinh tế. Cam kết trọng tâm ở đây là thiết lập một hệ thống mạnh mẽ và đáng tin cậy, cho phép sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm những cơ chế hiệu quả nhằm phát hiện được những vi phạm, đồng thời bảo đảm việc thực thi pháp luật”.
Trước những ý kiến e ngại về khó khăn của Việt Nam trong việc xây dựng, điều chỉnh các các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tương thích với Hiệp định, bà Astrid Schomaker - Trưởng đoàn đàm phán EU - khẳng định “ EU cũng đã mất nhiều thời gian để xây dựng hệ thống pháp luật với sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ cách thức mà chúng tôi thực hiện với Việt Nam để các bạn sớm có thể hoàn tất các hệ thống văn bản pháp luật nhằm đáp ứng việc thực thi Hiệp định”.
Việt Nam là một trong số 15 nước đàm phán VPA với EU và trong hơn thập kỷ qua ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đã phát triển nhanh chóng đóng góp rất to lớn cho phát triển kinh tế xã vã hội. Với kim ngạch xuất khẩu trên 7,1 tỷ USD trong năm 2015, ngành chế biến xuất khẩu gỗ đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia trên thế giới. |
Thu Hường