|
Tăng trưởng 100 tỷ USD chỉ sau 4-5 năm
Mốc quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu đạt 100 tỷ USD được ghi nhận vào cuối năm 2007. Sau kỷ lục kể trên, hơn 4 năm sau, vào ngày 25/12/2011, Việt Nam ghi dấu ấn mới trong hoạt động giao thương quốc tế khi đạt trị giá kim ngạch XNK 200 tỷ USD. Gần 5 năm sau, kỷ lục quan trọng trong hoạt động XNK lại được thiết lập khi “cán” mốc 300 tỷ USD.
Như vậy, thời gian lập kỷ lục về XNK từ 100 tỷ USD lên 200 tỷ USD chỉ mất hơn 4 năm, từ 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD mất gần 5 năm.
Sự tăng trưởng kim ngạch XNK mạnh chỉ trong chưa đầy 10 năm qua bắt nguồn từ việc năm 2007, nước ta bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa Việt bắt đầu “bung” mạnh ra thị trường thế giới với hàng loạt ưu đãi về thuế quan. Giai đoạn 2007-2011 được coi là giai đoạn “hoàng kim” của XK khi hàng loạt mặt hàng có thế mạnh của nước ta, đặc biệt là nhóm nông sản như cà phê, gạo, hạt tiêu… ngày càng được thế giới ưa chuộng và xác lập vị trí hàng đầu thế giới. Các DN cũng gia tăng nhập khẩu phục vụ sản xuất, XK.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 4 năm đầu sau khi Việt Nam gia nhập WTO, XK của ta đã tăng trưởng rất mạnh. Nếu năm 2007, kim ngạch XK đạt 48,6 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2006, thì đến năm 2011, tổng kim ngạch hàng hóa XK đã đạt 96,91 tỷ USD, tăng 34,2% và thực hiện vượt 22% mức kế hoạch của cả năm 2011.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2007 đạt 62,8 tỷ USD (giá CIF), tăng 39,8% so với năm 2006, thì đến năm 2011, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đã tăng gần gấp đôi, đạt 106,75 tỷ USD, tăng 25,8% và vượt 14,2% kế hoạch của cả năm.
Trong khi đó, giai đoạn từ 25/12/2011 - 15/11/2016, tăng trưởng kim ngạch XNK gặp nhiều khó khăn hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008 đến nay. Nông sản gặp khó khi nhu cầu thế giới giảm khiến XK giảm mạnh cả về lượng và giá. Công nghiệp chế biến sau nhiều năm tăng trưởng “nóng” đã bắt đầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại khi công suất dần đạt mức tối đa. Đối với nhập khẩu, thị trường khó khăn, cộng với công suất nhiều DN dần đạt tối đa cũng khiến mức tăng trưởng kim ngạch dần suy giảm.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17,5%/năm, thấp hơn giai đoạn trước nhưng vẫn cao hơn 5,5% so với chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra tại Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là 12%/năm. Nhập siêu đã giảm từ 22,4% (giai đoạn 2006-2010) xuống còn 1,93% tổng kim ngạch XK trong giai đoạn này.
Cơ cấu mặt hàng XK chuyển dịch theo chiều hướng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng nhanh, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Các mặt hàng chủ lực có quy mô XK lớn như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định, đồng thời đã phát triển thêm nhiều mặt hàng XK mới thuộc nhóm công nghệ như điện thoại di động, máy vi tính, thiết bị điện tử.
Tích cực triển khai nhiều giải pháp lớn
Cũng theo Bộ Công Thương, dự báo hoạt động XNK trong giai đoạn 5 năm tiếp theo sẽ đón nhận nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, công tác cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động XK. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) hứa hẹn sẽ giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa XK của Việt Nam và có tác động tích cực đối với tăng trưởng XK. Tuy nhiên, rào cản cũng không ít khi cùng với các cam kết mở cửa được hưởng, Việt Nam cũng phải cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước. Rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng.
Để thúc đẩy XK, hướng tới mục tiêu kim ngạch XK 300 tỷ USD vào năm 2020 và cân bằng cán cân thương mại theo Quyết định số 2471/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030 được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp lớn như phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng cho XK; phát triển thị trường, tận dụng các FTA; nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa XK….
Bộ Công Thương cũng đang tập trung triển khai Đề án thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mạng phân phối toàn cầu giai đoạn đến năm 2020. Bên cạnh đó, đa dạng các hình thức, phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác với các nước bạn trong tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị vào sâu trong hệ thống phân phối nội địa của các nước.
Riêng với các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường XK, bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp XK, ngành công thương sẽ giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để phát triển thị trường XNK hàng hóa, ngoài các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng của Bộ Công Thương, cần nhiều giải pháp đồng bộ của các bộ, ngành như quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, ổn định. Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiền tệ, lãi suất cho DN. Với những vướng mắc của DN được gửi về Bộ Công Thương, ngoài việc giải quyết tốt những vấn đề thuộc thẩm quyền, những vấn đề ngoài thẩm quyền sẽ được Bộ Công Thương tập hợp và chuyển đến các bộ, ngành liên quan, thực hiện tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN.