![]() |
Một góc cửa khẩu quốc tế trong KKTCK Lào Cai |
KKTCK Lào Cai hình thành và phát triển từ năm 1998 đến nay đã khẳng định chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong khai thác lợi thế biên giới để phát triển kinh tế, giao lưu thương mại. Ban đầu, KKTCK Lào Cai được quy hoạch có diện tích khoảng trên 5.000 ha, đến năm 2008 điều chỉnh lên 7.900 ha. Mục tiêu phát triển KKTCK Lào Cai là trở thành khu thương mại, dịch vụ năng động, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam với thị trường Tây Nam Trung Quốc, giao lưu thương mại biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)....
Tính đến cuối năm 2016, tại KKTCK Lào Cai đã có 279 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.026 triệu USD, trong đó có 15 dự án FDI vốn đăng ký trên 50 triệu USD (chiếm 10% vốn FDI toàn tỉnh), trên 1.870 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện kinh doanh. KKTCK đã tạo ra một động lực rất lớn làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lào Cai theo hướng tích cực, tăng thu nhập và việc làm cho người dân, đảm bảo an ninh biên giới, củng cố mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác Việt - Trung.
Thực tế cho thấy, trụ cột kinh tế Lào Cai hiện nay có 3 mảng là công nghiệp, nông lâm nghiệp, thương mại và dịch vụ; trong đó mảng công nghiệp, thương mại và dịch vụ tập trung phần lớn trong KKTCK, chiếm tỷ trọng 60-70% giá trị sản xuất toàn tỉnh. Những năm vừa qua, GDP của Lào Cai luôn tăng trưởng trên 13%/năm (giai đoạn 2010-2015), trong đó tăng trưởng của KKTCK là 16% (cao hơn mức tăng chung toàn tỉnh gần 3%), góp phần quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu GDP của Lào Cai giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Kim ngạch xuất nhập khẩu trong KKTCK Lào Cai cũng tăng liên tục từ 435 triệu USD năm 2008 lên 2,15 tỷ USD năm 2015, ước tính năm 2016 đạt trên 1,940 tỷ USD. Những năm vừa qua, bình quân mỗi năm có 1,7 triệu lượt người và hơn 100.000 lượt ô tô xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lào Cai. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn KKTCK Lào Cai đạt khoảng 9.000 tỷ đồng/năm (2015-2016), tăng 4,5 lần so với năm 2010; thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh từ 470,6 tỷ đồng năm 2008 lên 1.367 tỷ đồng năm 2015 (gấp hơn 3 lần), năm 2016 ước tính tương đương năm 2015, chiếm 30-35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Đến nay, KKTCK Lào Cai được đánh giá đứng thứ 3 tại khu vực miền Bắc chỉ sau KKTCK Lạng Sơn và Quảng Ninh về hiệu quả phát triển và tốc độ tăng trưởng. Hạ tầng KKTCK Lào Cai đã được đầu tư tương đối hiện đại, đồng bộ từ cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông, chợ, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, kho tàng, bến bãi, trụ sở làm việc, giao thông vận tải…, đáp ứng tốt các yêu cầu thu hút đầu tư, triển khai dự án, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Với vai trò là cầu nối Việt Nam và các nước ASEAN trong giao thương với thị trường Tây Nam Trung Quốc, đến nay, hệ thống giao thông kết nối tỉnh Lào Cai với các địa phương khác của Việt Nam cũng như với Trung Quốc đã được đầu tư khá hiện đại. Năng lực vận tải, luân chuyển hàng hóa đến Lào Cai và ngược lại đã được cải thiện rất tốt với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã kết nối với đường cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hơn nữa, một số địa bàn trong KKTCK Lào Cai đã khá phát triển, các doanh nghiệp đầu tư đã có hiệu quả nên không cần thiết áp dụng các ưu đãi nữa, mà cần dành ưu đãi đầu tư cho các khu vực khác. Bối cảnh này đã khiến phạm vi, không gian, diện tích, cơ chế, chính sách đối với KKTCK Lào Cai cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển mới. Do vậy, Chính phủ đã chấp thuận cho Lào Cai mở rộng phạm vi và quy mô phát triển KKTCK Lào Cai tăng gấp đôi từ 7.900 ha hiện tại lên 15.900 ha thời gian tới.
Điểm nhấn chính trong quy hoạch mở rộng KKTCK Lào Cai là tập trung phát triển trọng tâm ở các địa bàn TP. Lào Cai kéo dài theo đường biên giới lên huyện Bát Xát tương xứng với quỹ đất và chủ trương phát triển phía bên kia Trung Quốc, phù hợp với kết nối giao thông, quy hoạch phát triển các cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Một lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết, tới đây, hệ thống hạ tầng KKTCK sẽ được bổ sung, hình thành thêm hệ thống logistics, khu vực kho cảng cạn, bến bãi tập kết hàng hóa, các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các khu vực chức năng khác, hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới (Lào Cai - Hà Khẩu)… để thu hút đầu tư, khai thác các dịch vụ gia công, đóng gói, chế biến, tài chính, vận tải, du lịch…
Tỉnh Lào Cai đang xúc tiến quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết KKTCK Lào Cai mở rộng để thu hút đầu tư. Phía Trung Quốc cũng đang tập trung nguồn lực để khai thác lợi thế vùng Tây Nam. Dự kiến những năm tới, KKTCK Lào Cai sẽ có bước đột phá mới về tăng trưởng, mức độ sôi động giao thương cũng như hiệu quả hoạt động. |