![]() |
Sau hơn 2 tuần trải nghiệm ngắn ngủi ở xứ sở Kim Chi, tôi đã tìm ra phần nào câu trả lời tại sao đất nước này đạt được những thành tựu to lớn như vậy. Ấn tượng lớn nhất là về quy hoạch, môi trường, ý thức tuân thủ và xã hội học tập.
Điểm sáng về quy hoạch và môi trường
Hàn Quốc nổi tiếng thế giới không chỉ về những sản phẩm công nghệ, công nghiệp như điện tử, ô tô, thép, dệt may với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Samsung, LG, Hyundai, Posco… mà còn được biết đến với ngành nông nghiệp, du lịch, điện ảnh, mỹ phẩm…. Thống kê cũng chỉ ra rằng, Hàn Quốc là quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới, thứ hai về chất bán dẫn, thứ ba về hàng điện tử, đứng thứ tư về may mặc. Sắt thép và các sản phẩm hóa dầu đứng thứ năm nếu xét về tổng giá trị và sản xuất ô tô đứng thứ sáu. Vậy họ quy hoạch thế nào để cùng lúc phát triển được nhiều lĩnh vực như vậy?
Ở Hàn Quốc, các khu công nghiệp đều được quy hoạch theo vùng như điện tử, cơ khí, chế tạo, dệt may, hóa chất, công nghiệp ô tô, đóng tàu… dựa trên những chính sách phát triển của từng thời kỳ. Các khu công nghiệp hạt nhân với những doanh nghiệp hạt nhân giữ vai trò chủ chốt trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tăng việc làm, đồng thời định hướng phát triển sự sáng tạo của kinh tế vùng. Xung quanh các khu công nghiệp hạt nhân ấy, người ta xây dựng các khu cung cấp nguyên vật liệu hàng hóa, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chính các tổ hợp công nghiệp này đã sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu chiếm tới trên 71% tổng kim ngạch xuất khẩu; chiếm tới 49,2% công nghiệp chế tác của Hàn Quốc.
Dường như ở Hàn Quốc bạn sẽ không nhận ra đâu là khu đô thị và khu công nghiệp, bởi lẽ các nhà máy xí nghiệp sản xuất, cửa hàng giới thiệu sản phẩm nằm trong các tòa nhà cao tầng sạch sẽ, không tiếng ồn, không khói bụi và ô nhiễm. Sự chuyên biệt hóa rất rõ ràng. Các công ty sản xuất cứ sản xuất và xả thải, việc xử lý khói bụi, nguồn nước, hóa chất, chất thải… sẽ do các công ty vệ sinh môi trường chuyên môn đảm nhận. Sự sáng tạo của người bản địa được phát huy tối đa. Ngay cả đến các ống khói nhà máy cũng được trang trí, tạo nên một bức tranh đẹp đầy màu sắc.
Một điểm nổi bật khác mà Hàn Quốc đã làm được, đó là quy hoạch hệ thống đường giao thông hiện đại, đồng bộ. Dù ở khu đô thị hay tới những làng quê, thậm chí cả những con đường giữa cánh đồng đều được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Phương tiện di chuyển chính ở Hàn Quốc là ô tô, tàu điện ngầm. Trong các thành phố lớn, tình trạng kẹt xe giờ cao điểm vẫn diễn ra nhưng không thiếu chỗ để xe cá nhân. Gần như tất cả các chỗ đất trống từ vỉa hè, hành lang đường, dọc các con sông, những quả đồi… đều được phủ kín hoa, cỏ và cây xanh. Tại các tòa nhà, điểm công cộng như nhà ga, siêu thị, trạm dừng chân, công viên đều có nơi hút thuốc riêng biệt và luôn có người dọn dẹp sạch sẽ.
![]() |
Ý chí vươn lên và một xã hội học tập
Trong bài giảng về kinh tế công nghiệp của hầu hết các giáo sư Hàn Quốc, dù khái quát hay chi tiết cho từng ngành, chúng tôi thường được nghe về lý do đưa Hàn Quốc phát triển như ngày nay. Đó là tinh thần quật khởi, ý chí vươn lên, ham học hỏi và sáng tạo.
Trong một giai đoạn dài từ năm 1910 đến năm 1945, Hàn Quốc chịu sự đô hộ khắc nghiệt của người hàng xóm Nhật Bản. Cho đến tận sau này, khi độc lập, nền sản xuất của Hàn Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản. Thêm vào đó, sau năm 1953, Hàn Quốc luôn chịu áp lực đe dọa từ người anh em Triều Tiên. Chính những lý do này đã hình thành ở mỗi người Hàn Quốc ý chí vươn lên bằng sự đầu tư phát triển, tránh lệ thuộc vào bên ngoài.
Trên cơ sở các kế hoạch mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn 5 năm, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tự sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu để cung cấp cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường Hàn Quốc quá nhỏ bé, vả lại nước này rất nghèo tài nguyên nên các nhà hoạch định chính sách đã tư vấn cho Chính phủ quyết định đảo ngược, nghĩa là sản xuất để vừa tiêu dùng vừa phục vụ xuất khẩu thu về ngoại tệ.
Chính sách của nhà nước lúc bấy giờ và một số lý do khác đã giúp hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh như Samsung, Hyundai, LG.… Các tập đoàn này chỉ chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nhưng nắm giữ tới 80% tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc.
Qua tìm hiểu, quá trình phát triển kinh tế công nghiệp của Hàn Quốc cũng tuần tự từng bước một, đó là xây dựng chính sách, thu hút đầu tư, gia công sao chép rồi cải tiến sáng tạo không ngừng trong sự cạnh tranh khốc liệt để biến nó thành của mình.
Để làm được điều này, theo ông Yun Jun Kim - Giám đốc Công ty SCS, người đã từng đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm đào tạo của Samsung trong nhiều năm, đó chính là đào tạo - một phần “bí mật” và là “chìa khóa” giúp Hàn Quốc phát triển như ngày nay.
Cũng theo ông Kim, khi còn làm ở Samsung, được đi ra nước ngoài, được thấy sự phát triển đa dạng của thế giới, ông đã cùng nhiều trí thức đề xuất Chính phủ tăng cường đào tạo cho người Hàn Quốc bằng việc cho cán bộ, công nhân đi học tập ở nước ngoài với nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu sinh, tập huấn, thăm viếng, đào tạo ngắn ngày. Đã có thời kỳ, mỗi năm Hàn Quốc có tới 200.000 người ra nước ngoài thông qua các hình thức nêu trên.
Kiến thức, sự trải nghiệm đã thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo. Đó cũng chính là lý do những cải tiến, phát minh công nghệ ở Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực phát triển không ngừng. Và ngày nay, chúng tôi có quyền tự hào khi nhiều sản phẩm công nghệ của mình đứng đầu thế giới, ông Kim chia sẻ.
Tạm biệt Hàn Quốc, ấn tượng trong tôi cũng lớn như thành tựu của đất nước này và tự hỏi, liệu chúng ta có thể làm được như thế? Giáo sư Deok Geun Lee đến từ Viện Nghiên cứu Hàn Quốc đã nói với chúng tôi rằng, ông tin Việt Nam sẽ làm được nếu tất cả đều chung ý chí, cùng hướng về mục tiêu và nỗ lực thực hiện.
Có thể nói, lòng tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên, chính sách kinh tế đúng đắn thích ứng với xu thế mới của thời đại, cùng sự sáng tạo trên tinh thần xã hội học tập đã giúp Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng được thế giới thừa nhận và nhiều quốc gia phải học hỏi. |