Tăng sức “nặng” cho quản lý cụm công nghiệp

14:00 | 26/02/2017 In bài biết
(VEN) - Nghị định về quản lý cụm công nghiệp (CCN) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt. Với nhiều ưu đãi cho phát triển và những quy định cụ thể, văn bản này được kỳ vọng sẽ góp phần lập lại trật tự trong công tác quản lý CCN đang còn nhiều bất cập.    
tang suc nang cho quan ly cum cong nghiep

Phát triển tự phát

Cả nước có trên 600 CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng của các CCN này không theo quy trình chặt chẽ, hầu hết không có quyết định thành lập và hồ sơ pháp lý theo dõi.

Tại nhiều địa phương, CCN phát triển một cách tự phát, gần như các huyện đều đã có chủ trương hình thành CCN. Thực tế này khiến nhiều tỉnh, thành phố phải điều chỉnh lại quy hoạch CCN. Thanh Hóa là một ví dụ, trước thời điểm Quyết định 105 được ban hành, địa phương này đã quy hoạch tới 100 CCN, hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Sau 2 lần thực hiện rà soát, tỉnh phải chuyển đổi, đưa ra khỏi quy hoạch 47 cụm.

Quảng Ninh là một trong số các tỉnh sớm có quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, thế nhưng lần điều chỉnh, bổ sung gần đây nhất, Quảng Ninh đã phải đưa ra khỏi quy hoạch 35 CCN với tổng diện tích 1.051,66 ha; giữ nguyên 2 cụm; điều chỉnh về quy mô diện tích 5 cụm và bổ sung 6 cụm. Như vậy, theo quy hoạch mới đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 13 CCN, đến năm 2030 là 19 cụm.

Bắc Giang có 29 CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành, diện tích nhỏ hơn 75ha do ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư.… Hầu hết các CCN này khó thu hút doanh nghiệp. Nhằm gỡ khó, tỉnh đã điều chỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch phát triển 9 CCN với tổng diện tích 227 ha; điều chỉnh thu hẹp diện tích 6 CCN với tổng diện tích được điều chỉnh là 79,92 ha.

Việc phát triển “nóng” của các CCN có một phần nguyên nhân từ cơ chế, chính sách chưa đủ sức “nặng”, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không thống nhất. Đơn cử theo quy định, những CCN không có chủ đầu tư hạ tầng thì thành lập trung tâm phát triển CCN. Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm như thế nào lại không có hướng dẫn, trong khi kinh phí của địa phương hạn chế, khó bố trí nhân lực. Tại một số CCN, ủy ban nhân dân huyện vừa làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh là không phù hợp.

Tăng sức nặng trong quản lý

Nhằm xử lý những bất cập trên, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT hướng dẫn xử lý CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành.

Theo đó, cả nước có khoảng 400 CCN đã được ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên chuyển đổi thành khu công nghiệp. Tuy nhiên, tính đến thời hạn cuối cùng (ngày 31/12/2015) vẫn còn 20/63 địa phương chưa hoàn thành việc xử lý CCN. Để gỡ khó cho các địa phương, Bộ Công Thương đã đề xuất gia hạn xử lý các CCN, thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 31/12/2017.

Đặc biệt, để thêm sức nặng về pháp lý cho công tác quản lý, phát triển CCN, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về quản lý CCN với nhiều chính sách ưu đãi phát triển. Cụ thể, người làm việc tại cụm được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong vòng 15 năm, miễn 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thưởng hàng năm. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm được vay tối đa 70% vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, được xem xét thuê đất không quá 70 năm và huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định cụ thể về việc quy hoạch, thành lập và mở rộng CCN. Việc quy hoạch CCN phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá các điều kiện kết nối hạ tầng bên ngoài, dự kiến tiến độ đầu tư hạ tầng và khả năng cho thuê đất để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai quy hoạch; đánh giá tác động môi trường; phân tích, xác định các giải pháp, chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính, nguồn lực đầu tư và đề xuất phương án tổ chức thực hiện.… Cùng với đó, việc bổ sung, rút ra khỏi quy hoạch và mở rộng CCN cũng phải được thực hiện theo trình tự chặt chẽ.

Thực hiện nghị định, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành hoặc đề nghị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển CCN. Thỏa thuận quy hoạch, bổ sung, rút khỏi quy hoạch. Hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về CCN. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN và hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các CCN huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hình thức đối tác công tư trong từng giai đoạn và quản lý dự án đầu tư theo thẩm quyền. Tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy hoạch, các quy định, chính sách của Nhà nước về phát triển cụm. Đánh giá, giám sát hiệu quả của việc hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của CCN.

Việt Nga

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/tang-suc-nang-cho-quan-ly-cum-cong-nghiep-202021.html