![]() |
Khách du lịch sẽ chọn được gì trong số những quà lưu niệm trên phố đi bộ Hà Nội? |
Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi có nhiều tuyến phố thu hút rất đông khách du lịch quốc tế như: Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., song khách du lịch lại không dễ dàng tìm được sản phẩm quà tặng đặc trưng “made in Vietnam”, bởi quà tặng “made in China” bày bán nhan nhản với mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Có mặt tại tuyến phố đi bộ của Hà Nội, phóng viên thật khó chọn được quà ưng ý của Việt Nam trong số hỗn độn quà lưu niệm mà chủ yếu là hàng Trung Quốc. Các sản phẩm được giới thiệu là hàng Việt, sản xuất tại những làng nghề truyền thống như vòng tay, con giống bằng đá, các sản phẩm mỹ ký… đều đến từ Trung Quốc. Những chiếc nón lá, những con tò he hay chiếc túi thổ cẩm đơn điệu thật khó mà “móc được hầu bao” của du khách.
Điển hình cho làn sóng hàng lưu niệm ngoại lai ở Hà Nội phải kể đến làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Ở đây, tìm được một sản phẩm lụa Vạn Phúc trứ danh khó vô cùng cho dù ở làng vẫn có máy dệt. Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, nguyên liệu phục vụ cho dệt lụa ở Vạn Phúc phần lớn từ nơi khác chuyển đến. Số tơ lụa của làng rất hiếm. Và để làm được một sản phẩm lụa Vạn Phúc chính hãng thì giá thành cũng cao gấp nhiều lần sản phẩm “nhái”. Chính vì lợi nhuận nên nhiều gia đình ở đây đã nhập hàng từ Trung Quốc về bán.
Không chỉ ở Vạn Phúc, nhiều làng nghề nổi tiếng về đan, thêu, gỗ mỹ nghệ… cũng đều chung số phận. Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều nghệ nhân đã phải bỏ nghề. Tình trạng này khiến thị trường đồ lưu niệm và quà tặng dành cho du lịch tại Việt Nam đã nghèo nàn lại càng nghèo nàn hơn, còn các làng nghề thủ công thì luôn trong tình trạng chết yểu. Vì vậy, nghịch lý tại các khu du lịch của Việt Nam: Nhan nhản các mặt hàng giống hệt nhau và có cùng xuất xứ từ Trung Quốc luôn tái diễn.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, du lịch làng nghề hiện nay chưa phát huy được thế mạnh bởi còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đầu tiên là thiếu chiến lược lâu dài. Hầu như các cấp quản lý, bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề. Bên cạnh đó, sản phẩm còn quá đơn điệu, chưa tính đầy đủ tới nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống, chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch.
Tuy nhiên, ông Dần cũng bày tỏ trăn trở, để khuyến khích được nghệ nhân các làng nghề có sự sáng tạo thì Nhà nước cần có chính sách tôn vinh nghệ nhân. Cụ thể như tổ chức buổi gặp mặt của lãnh đạo Nhà nước với những người tiêu biểu nhất của các làng nghề.
Hiện nay, việc vắng các sản phẩm du lịch đặc thù cũng như thiếu các món quà lưu niệm “made in Việt Nam” đã khiến ngành công nghiệp không khói mất đi nguồn thu ngoại tệ không nhỏ và bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước thông qua những mặt hàng này.
Một kết quả điều tra về chi tiêu của khách du lịch cho thấy, du khách mỗi dịp đến Việt Nam chỉ dành ra 10-15% cho mua sắm. Trong khi con số này tại Malaysia hay Thái Lan chiếm từ 50-55% tổng số tiền chi tiêu. |