Nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:04 | 11/04/2017 In bài biết
(VEN) - Với những lợi ích to lớn mà việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đem lại cho rừng và xã hội thì việc phát triển DVMTR bền vững là điều tất yếu. Tuy nhiên, hiện các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là hết sức cấp thiết.
Nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng
Chi trả DVMTR tạo nguồn lực để bảo vệ và phát triển bền vững

Thu hơn 6.510 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng

Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển DVMTR bền vững” diễn ra ngày 24/3, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: Qua 5 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR, đến nay, ngoài Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp Trung ương, đã có 41 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp địa phương. Tính đến hết năm 2016, tổng thu tiền DVMTR đạt 6.510,7 tỷ đồng. Số tiền chi trả cho các chủ rừng là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý bảo vệ 5,87 triệu hecta rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc. Thu nhập từ DVMTR bình quân chung cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ sinh sống từ nghề rừng….

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn, thực hiện chính sách chi trả DVMTR góp phần tích cực giảm số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, diện tích rừng thiệt hại đã giảm từ 58,2% xuống còn 32,9% so với giai đoạn 2006-2010. Hiện tại có hơn 500 nghìn hộ gia đình, cộng đồng nhận tiền chi trả DVMTR qua hình thức trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán. Số tiền này sẽ tiếp tục tăng thêm khi Nghị định của Chính phủ về sửa đổi bổ sung các bên cung ứng, sử dụng DVMTR được áp dụng. “Chính phủ đã có Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 99 về chi trả DVMTR theo hướng tăng thu một số dịch vụ của môi trường rừng lên khoảng 1,5 lần. Nếu thực hiện từ ngày 1/1/2017, chúng ta sẽ thu DVMTR khoảng 1,7 nghìn tỉ đồng trong năm nay”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Ông Nguyễn Thanh Lĩnh - Phó giám đốc Quỹ Phát triển rừng tỉnh Lào Cai chia sẻ, ở địa phương hiện có khoảng 25 nghìn hộ gia đình chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đang nhận tiền chi trả DVMTR. Sinh kế đối với rừng đem lại khoảng 400 nghìn đến 500 nghìn đồng/nhân khẩu/ha/năm. Chính phủ đã có Nghị định điều chỉnh giá trị DVMTR từ 20 đồng/kw điện thương phẩm lên 36 đồng, qua đó giá trị tăng đáng kể, cao gấp 1,8 lần so với hiện nay, nhưng cũng cần thêm những chính sách để người dân nâng cao hơn nữa mức thu nhập, qua đó bảo vệ phát triển rừng tốt hơn nữa.

Tiếp tục sửa đổi hoàn thiện chính sách

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ NN&PTNT, trong quá trình tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện chi trả DVMTR vẫn còn khá nhiều tồn tại. Trước hết, về thu tiền DVMTR vẫn còn thấp so với tiềm năng hiện có, do trong các loại DVMTR được quy định tại Nghị định 99, hiện mới có 3 loại DVMTR đã thực hiện với các đối tượng là thủy điện, nước sạch và du lịch; các đối tượng khác như cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt, nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu cacbon chưa được thực hiện. Tiền DVMTR thu từ các nhà máy thủy điện là 20 đồng/kwh và hiện nay là 36 đồng/kwh, thu từ các nhà máy sản xuất nước sạch là 52 đồng/m3…, thấp hơn nhiều so với giá trị DVMT do rừng tạo ra.

Nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng
Nguồn tiền DVMTR hàng năm đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cho hơn 5,8 triệu ha rừng trong các lưu vực cung ứng DVMTR

Bên cạnh đó, bình quân hàng năm Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thu tiền DVMTR đạt khoảng 1.200 tỷ đồng để quản lý bảo vệ 5,87 triệu hecta rừng. Sau khi trừ chi phí quản lý, vận hành thì tiền DVMTR bình quân 200.000 đồng/ha/năm, thấp hơn nhiều so với mức Nhà nước hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ rừng hiện nay là 300.000 đồng/ha/năm. Thu nhập của các hộ gia đình từ DVMTR bình quân chung cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm là rất thấp, khó bảo đảm cuộc sống của người làm rừng. Việc chi trả tiền DVMTR theo từng lưu vực của từng cơ sở sử dụng DVMTR đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn. Chênh lệch giữa các lưu vực cung ứng DVMTR dẫn đến chênh rất lớn về nguồn thu của các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh trên cùng một lưu vực sông, làm cho thu nhập của người làm nghề rừng có sự khác biệt rất lớn, đã xuất hiện tình trạng thắc mắc, so bì, phát sinh mâu thuẫn của người dân ở các vùng khác nhau….

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2008/NĐ-CP quy định địa vị pháp lý của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; đề xuất chính sách tăng mức thu tiền DVMTR tiệm cận với giá trị DVMT do rừng tạo ra để tăng nguồn thu từ DVMTR; thí điểm và ban hành chính sách thu DVMTR từ các loại hình dịch vụ nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu cacbon rừng.

Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) với các điều về các loại DVMTR, nguyên tắc chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.... Kiến nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05 trong năm 2018.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Để giải quyết vấn đề này cần sự đồng lòng của cả xã hội, cả hệ thống chính trị; phải theo nguyên tắc “lấy rừng nuôi rừng”, đó mới là bình đẳng, không thể lấy ngân sách nhà nước ra mãi được. Phải làm sao để người trồng rừng, người làm rừng sống được nhờ rừng.”

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện giá trị thu nhập từ rừng mới đạt trung bình 8-9 triệu đồng/ha là còn rất thấp, các mô hình thu nhập 30-150 triệu đồng/ha chỉ là số ít nên nhiều người dân vẫn chưa thể làm giàu được từ rừng. Để chương trình bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả bền vững, cần nâng cao mức thu nhập cho người dân trồng rừng, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp như nông nghiệp…
Nguyễn Hạnh

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/nang-cao-hieu-qua-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-201776.html