![]() |
Đây là quan điểm mà chủ nhà Việt Nam đề xuất và nhận được sự nhất trí cao của các nền kinh tế thành viên APEC trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cấp cao APEC (SOM1).
Tìm kiếm cơ hội trong thách thức
“Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm có trên 300 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại vật chất lên đến hàng tỷ USD”, đây là chia sẻ của ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Cuộc họp Nhóm công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp lần thứ 11 (EPWG - 11) nằm trong khuôn khổ SOM1.
Tại Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực (PPFS), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam đã đưa ra ba sáng kiến gồm: Kế hoạch hành động để thực hiện khung chiến lược của APEC về phát triển đô thị - nông thôn nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững; Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường phát triển bền vững và an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra hai đề xuất gồm: Phát triển kinh doanh nông nghiệp để hỗ trợ chuyển đổi lao động nông thôn tại các nền kinh tế thành viên APEC; và Thích ứng biến đổi khí hậu: Tác động tới chiến lược an ninh lương thực.
Trong khuôn khổ SOM1, bên cạnh PPFS, Bộ NN&PTNT cũng tích cực tham gia một số nhóm công tác khác như: Nhóm công tác về giảm nhẹ thiên tai, biển và đại dương, thương mại và quản lý khai thác gỗ hợp pháp…. Kết quả đạt được từ các nhóm công tác này cũng góp phần thực hiện ưu tiên về an ninh lương thực và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng quy chuẩn sản xuất nông nghiệp
APEC đang hướng tới Mục tiêu Bogor về tự do hóa các ngành thương mại. Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đang hướng tới phổ biến tiêu chuẩn toàn cầu về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu không áp tiêu chuẩn toàn cầu trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể thua ngay tại sân nhà.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nền nông nghiệp Việt Nam cần khẩn trương triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn toàn cầu. “Việt Nam đã có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này, hướng tới một mục tiêu xa hơn là đi sâu, đi xa và rộng hơn trong vấn đề an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Việt Nam tận dụng tối đa APEC như một kênh thông tin chia sẻ công nghệ sản xuất và kinh nghiệm quản lý nông nghiệp. Là cơ quan chính tham gia vào trụ cột này, đồng thời nắm vững được thực tiễn triển khai mục tiêu hợp chuẩn thế giới về sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đang xây dựng và tiến tới phổ biến bộ quy chuẩn để bà con nông dân hiểu hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Ông Chutintorn Sam Gongsakdi, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Thái Lan: Ưu tiên bàn về an ninh lương thực là một đề xuất rất tốt của Việt Nam. Khu vực chúng ta hiện chưa thiếu lương thực, nhưng biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ đặt ra các thách thức, thế nên tôi cho rằng Việt Nam đã đi trước thời đại khi đưa ưu tiên này vào chương trình nghị sự của Năm APEC 2017.