“Xóa mù” thông tin thị trường nông sản

14:10 | 27/04/2017 In bài biết
(VEN) - Những ngày gần đây lại thấy các tổ chức xã hội kêu gọi giải cứu dưa hấu tồn ứ cho bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi. Đây không còn là câu chuyện mới vì hầu như năm nào dư luận xã hội cũng chứng kiến cảnh tồn ứ của nông sản Việt. Để tìm câu trả lời cho bài toán “đầu ra nông sản” hóc búa lâu nay, giới chuyên gia cho rằng, nhất định phải giải quyết được điểm yếu của nông dân hiện nay, đó là “mù” thông tin về thị trường.  
xoa mu thong tin thi truong nong san

Nông sản lại tồn ứ…

Câu chuyện cũ về tồn ứ nông sản đang lặp lại. Tình trạng dưa hấu ở Quảng Ngãi thu hoạch quá nhiều mà không tiêu thụ được, đội ngũ thanh niên tình nguyện, các tổ chức xã hội và người dân cả nước lại hô hào nhau “giải cứu” dưa hấu. Đây không phải lần đầu tiên bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi phải “hứng” cảnh ế thừa dưa hấu mà trước đó vài năm, thực trạng này cũng đã diễn ra.

Và cũng không riêng dưa hấu, nhiều năm qua, bà con nông dân trồng chuối, hành tím, vải, thanh long… đều đối diện thực trạng nông sản tồn đọng. Nguyên nhân của thực trạng này đã được nhắc đến nhiều. Đó là do phần lớn người nông dân tin vào hợp đồng với các thương lái nước ngoài khi họ thu mua nông sản với giá cao, rồi đổ dồn vào trồng loại nông sản đó, để rồi khi thu hoạch ùn ùn, thương lái không quay lại theo hợp đồng mà “đánh bài chuồn”, vậy là ế.

Song theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân sâu xa ở đây là người nông dân vẫn đang phải “tự bơi” với các sản phẩm mà họ sản xuất ra. Không hiểu rõ và vẫn phải tự tìm thị trường khiến cho bà con nông dân luôn phải loay hoay sau mỗi vụ thu hoạch nông sản.

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng thu nhập của nông dân - những chủ thể chính của nền nông nghiệp lại luôn bấp bênh. Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, càng ngày nông nghiệp Việt Nam càng bộc lộ nhiều yếu kém khi chủ yếu dựa trên nền kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp.

Đi tìm lời giải

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ), khi nền kinh tế thiếu hẳn sự liên kết, người nông dân chủ yếu vẫn “tự bơi” với những hạt lúa, con tôm do mình làm ra, hay nói cách khác, nếu sản xuất vẫn manh mún, tầm nhìn ngắn hạn, thì kinh tế nông nghiệp sẽ khó có sự bứt phá.

Giáo sư Võ Tòng Xuân thừa nhận, một phần của sự yếu kém này nằm ở chính sách, song không thể đổ lỗi tất cả cho chính sách. Bản thân người nông dân cũng đang tự bó chặt mình, tự bằng lòng với khả năng của mình thì làm sao nền nông nghiệp có thể phát triển được.

“Trồng rau, trồng lúa cứ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, thiếu hẳn sự can thiệp của khoa học kỹ thuật. Đó là lý do vì sao đất đai lại khô cằn, không trồng được các sản phẩm chất lượng cao. Cứ sản xuất kiểu như vậy mãi sao có thể tiến bộ được” - giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định.

Nói về những khúc mắc của ngành nông nghiệp hiện nay, và cụ thể hơn là sự bế tắc của bài toán đầu ra cho nông sản, tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp là câu chuyện quản trị theo thị trường, câu chuyện bán sản phẩm cho nông dân. Hay nói cách khác, phải làm thế nào để người nông dân luôn nắm được tín hiệu của thị trường, sản xuất những thứ mà thị trường cần với nguồn cung vừa đủ chứ không thể cứ để nông dân chỉ phụ thuộc vào những “hợp đồng ma” của thương lái nước ngoài như dư luận xã hội đã chứng kiến thời gian qua.

Và câu trả lời được vị chuyên gia này đưa ra đó là phải nâng cao được vai trò của hợp tác xã trong việc kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp. Bởi người nông dân có nguồn cung nhưng nếu đầu ra mờ mịt thì biết bán cho ai, còn doanh nghiệp lại biết thị trường nhưng để kết nối với nhà sản xuất thì hầu như họ không tự làm được.

Còn theo quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), những hạn chế của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay là do xuất phát điểm của ngành nông nghiệp nước ta còn thấp, các yếu tố về thiên tai, địch họa cũng tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế nông nghiệp…. Song, một trong những nguyên nhân quan trọng là do nông nghiệp chưa phát triển theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ, và đặc biệt, nền sản xuất vẫn dựa vào kinh tế nông hộ, nhỏ lẻ.

Do đó, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, nhất định phải đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại lớn…. Vì một nền kinh tế nông nghiệp mạnh không thể dựa vào những nhà sản xuất có quy mô manh mún, nhỏ lẻ.

“Một trong những giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững là phải gắn kết bằng được doanh nghiệp và nông dân. Vì nếu cứ mãi sản xuất kiểu manh mún, nông hộ, nền nông nghiệp không thể lớn mạnh” - ông Tiến khẳng định.

Vũ Vũ

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/xoa-mu-thong-tin-thi-truong-nong-san-201706.html