Kỳ 1: Xương sống của nền kinh tế Đức

15:00 | 30/04/2017 In bài biết
(VEN) - Đức đứng thứ 4 trên thế giới về quy mô của nền kinh tế nhưng lại chỉ có 28 tập đoàn lớn được xếp hạng trong Fortunes 500. Tuy nhiên, nếu xem xét những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dẫn đầu trong các thị trường thì Đức lại có đến 1.307 doanh nghiệp trong số 2.734 doanh nghiệp thế giới.    
ky 1 xuong song cua nen kinh te duc

Những cái tên như Würth, Dorma… đã góp phần tạo nên xương sống của nền kinh tế Đức

Những nhà vô địch ẩn danh

Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất giữa thế kỷ 19, Đức được biết tới là ngôi nhà của những “ông lớn” trong ngành công nghiệp như Krupp, Siemens, AEG hay I.G. Farben, nhưng các DNNVV mới là nhân tố chính tạo ra công ăn việc làm, sự thúc đẩy và động lực để đầu tư ra bên ngoài. Trong tiếng Đức, những DNNVV ấy được gọi chung bằng cái tên Mittelstand - những công ty được điều hành theo mô hình hoàn toàn hay 50% gia đình trị, doanh thu hàng năm đạt 50-500 triệu euro và sở hữu tối đa 500 lao động.

Ở Đức, khối Mittelstand chiếm tới 99,6% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng vai trò xương sống của cả nền kinh tế quốc gia. Tuy vậy, những DNNVV này ít được biết đến như Mercedes, Allianz hay Bayer…. Bởi vậy, rất nhiều trong số những Mittelstand này được gọi là những nhà vô địch ẩn danh. Lực đẩy cho năng lực cạnh tranh của khối Mittelstand nằm ở các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo và chất lượng cao.

Sự hỗ trợ từ Chính phủ Đức

Theo chia sẻ của tiến sĩ Wolfgang Manig - Phó Đại sứ kiêm Tham tán kinh tế Đức tại Việt Nam, ở Đức có rất nhiều công cụ để hỗ trợ DNNVV, từ phía Chính phủ liên bang, chính quyền bang hay thậm chí là cả những tập đoàn lớn. Phòng Công nghiệp, Thương mại và Ngành nghề thủ công Đức đã ban hành những chính sách hỗ trợ như vận động cho quyền lợi của DNNVV hay tổ chức những khóa đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên, học sinh.

Không những Ngân hàng Phát triển nhà nước (KfW) đưa ra những kênh tín dụng đặc biệt cho các DNNVV, mà ngay cả các ngân hàng tư nhân cũng xúc tiến những chương trình dành riêng cho khối này. Một số DNNVV nằm trong khối hợp tác xã, và thậm chí, các khối hợp tác xã này cũng có hệ thống ngân hàng riêng (Ngân hàng Nhân dân tại các khu đô thị và Ngân hàng Raiffeisen tại các vùng nông thôn). Ở cấp Nhà nước và liên bang, Bộ Kinh tế trợ giúp các DNNVV trong các vấn đề thương mại, xuất khẩu hay tổ chức những chương trình quảng bá sản phẩm tại nước ngoài.

Bí quyết làm nên thành công

Điều làm nên thành công của các Mittelstand, trước hết phải kể tới cam kết đảm bảo uy tín, chất lượng. Yếu tố này thoạt nghe có vẻ không mới, bởi chất lượng luôn là điều mà các nhà sản xuất Đức nổi tiếng thế giới trong những năm qua. Tuy nhiên, Mittelstand đem đến những điều rất khác biệt.

Ví dụ, khách hàng vẫn có thể đặt mua bộ phận thay thế cho một chiếc máy in có tuổi thọ 100 năm do Công ty Heidelberger Druckmaschinen chế tạo. Các Mittelstand luôn cam kết cung cấp các công nghệ thích hợp nhất cho khách hàng của họ với kỹ thuật không kém những tập đoàn lớn. Các DNNVV của Đức đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển nhằm đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Tuy mức đầu tư này chỉ bằng 1/5 các tập đoàn lớn, nhưng xét về hiệu quả, các Mittelstand hàng đầu lại có tỷ lệ bằng sáng chế bình quân trên mỗi nhân viên cao gấp 5 lần.

Thứ hai, Mittelstand không chú trọng tới lợi nhuận ngắn hạn. Thay vì chọn cách niêm yết trên thị trường chứng khoán, các gia đình quản lý Mittelstand cố gắng kiểm soát doanh nghiệp để không bị rơi vào tay người ngoài. Lợi nhuận trước mắt của việc niêm yết trên sàn chứng khoán là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, các Mittelstand không cho rằng đây là mục tiêu cao nhất, thay vào đó, họ tập trung vào những giá trị dài hạn hơn như duy trì sự ổn định của cơ cấu doanh nghiệp và mối quan hệ bền vững với khách hàng.

Thứ ba, các Mittelstand luôn hướng tới những kế hoạch tham vọng. Theo họ, việc đặt ra những kế hoạch lớn có thể giúp tập thể nhân viên trở nên gắn kết và hợp tác hơn. Bên cạnh đó, các ông chủ Mittelstand tạo ra môi trường làm việc thoải mái cho nhân viên của họ. Mối quan hệ khăng khít này đã tạo nên một tinh thần làm việc hợp tác cũng như văn hóa tin tưởng và có tính cam kết cao trong doanh nghiệp. Tỷ lệ nghỉ việc tại các Mittelstand chỉ chưa đến 2%, trong khi con số này ở các tập đoàn Mỹ là 30%.

Tiến sĩ Wolfgang Manig - Phó Đại sứ kiêm Tham tán kinh tế Đức tại Việt Nam: “Thành công của các DNNVV của Đức bắt nguồn sâu xa từ tinh thần dám nghĩ dám làm của doanh nghiệp và sự lành nghề của người lao động.”
Nhật Quang

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/ky-1-xuong-song-cua-nen-kinh-te-duc-201690.html