Kỳ 2: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam học hỏi được gì từ Mittelstand?

11:00 | 07/05/2017 In bài biết
(VEN) - Những “nhà vô địch ẩn danh” của nước Đức đang ngày càng nổi tiếng. Rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả những nhân vật thuộc giới tinh hoa tới từ Pháp, Anh hay Hàn Quốc đã từng muốn mô phỏng mô hình này nhưng đều không thành công.  
Kỳ 2: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam học hỏi được gì từ Mittelstand?

Friedhelm Loh mang đến cơ hội học hỏi, thực tập cho các bạn trẻ

Sao chép mô hình Mittelstand của Đức

Một trong số đó có lãnh đạo Đảng Hàn Quốc tự do - ông Moon Kook-hyun. Ông Moon luôn giữ quan điểm Hàn Quốc đã quá phụ thuộc vào các chaebol (các tập đoàn khổng lồ), bởi vậy, cần phải tập trung cải thiện khối DNNVV, thông qua việc sao chép mô hình Mittelstand của Đức. Trước đây, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng từng dẫn một nhóm doanh nghiệp đến thăm và học hỏi mô hình Mittelstand của Đức, và sau đó đã thành lập Trường học Meister theo mô hình kiểu Đức để đào tạo học sinh có tố chất trở thành những chuyên gia về kỹ thuật thương mại.

Nước Pháp cũng từng cụ thể hóa tham vọng có được những Mittelstand của riêng mình qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Pháp (BPI), khá giống với Ngân hàng Phát triển Nhà nước (KfW) của Đức, nhằm thúc đẩy dòng vốn chảy vào DNNVV. BPI sau đó sáp nhập với Quỹ đầu tư chiến lược FSI, đầu tư hơn 7 tỷ euro và nắm giữ lượng lớn cổ phần của hơn 1.800 doanh nghiệp. Năm 2008, Pháp đưa ra khái niệm ETI (entreprises de taille intermédiaire) để chỉ các doanh nghiệp có quy mô vừa. Tuy nhiên, các ETI vẫn không hiệu quả như các Mittelstand.

Sự thất bại này tới từ hai nguyên nhân. Trước hết, cần xét tới yếu tố lịch sử. Năm 1945, người Đức bắt đầu tái thiết kinh tế với chủ trương chán ghét các doanh nghiệp lớn bởi họ có mối quan hệ với Đức quốc xã. Ngược lại, ở Pháp, các doanh nghiệp tư nhân bỏ ngỏ các ngành công nghiệp cơ bản, nhường thị phần cho Đức và chuyển sang cạnh tranh với Italia về ngành hàng tiêu dùng. Nhà nước xây dựng các công ty tầm cỡ quốc gia trong các lĩnh vực như điện hạt nhân và vũ trụ.

Bên cạnh đó, các ETI của Pháp có nhiều tầng lớp quản lý hơn, thậm chí là gấp đôi so với Mittelstand. Ngoài ra, Đức cũng chú trọng phát triển chuỗi cung ứng trong khi Pháp hiếm khi làm việc đó.

Theo quan điểm của tiến sĩ Wolfgang Manig - Phó đại sứ kiêm Tham tán kinh tế Đức tại Việt Nam, sự sao chép Mittelstand là không thể bởi yếu tố lịch sử và những khác biệt của nền kinh tế. Tuy nhiên, DNNVV Việt Nam vẫn có thể học hỏi những bài học quý báu từ các Mittelstand của Đức.

Mô hình không khép kín

Các Mittelstand luôn quan niệm mô hình kinh doanh không bao giờ được khép kín. Khối doanh nghiệp Mittelstand cam kết duy trì sự gắn bó chặt chẽ với các cộng đồng địa phương như: Hệ thống trường đại học - cao đẳng, chính quyền địa phương, nhà cung ứng, ngân hàng xã hội và các tổ chức khác.

Ví dụ như Công ty Friedhelm Loh hiện đang hợp tác chặt chẽ với Đại học Mittelhessen nhằm kết hợp lý thuyết trong chương trình dạy học với thực tế. Theo đó, sinh viên có thể áp dụng trực tiếp những gì mình học vào các công việc của công ty.

Bằng việc phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, Friedhelm Loh có thể tuyển dụng tốt hơn cũng như kết nối hiệu quả hơn với nhân viên của mình. Trong năm vừa qua, Friedhelm Loh đã được bầu là công ty có chế độ tuyển dụng tốt nhất tại Đức năm thứ 8 liên tiếp.

Học hỏi và thích nghi với thế giới bên ngoài

Khi thế giới đang cố gắng học hỏi từ các Mittelstand, thì họ cũng bận rộn học hỏi thế giới.

DNNVV của Đức không chỉ hoạt động bên trong lãnh thổ của Đức. Thị trường của họ trải dài khắp các quốc gia trên thế giới. Sự cạnh tranh trên toàn thế giới thúc giục ngay cả những doanh nghiệp nhỏ phải tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa.

“Ngày nay, các DNNVV của chúng tôi đã đầu tư ra nước ngoài - không chỉ ở châu Âu, nơi có môi trường pháp lý tương đồng với Đức, mà còn ở những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Trước đây, các công ty chỉ thuê nhân công trong nước, nhưng ngày nay, nếu không học hỏi những mô hình quản lý hiện đại, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ thông tin, nghiên cứu và phát triển, và đặc biệt là sự hiểu biết về văn hóa bên ngoài, không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại”, tiến sĩ Wolfgang Manig khẳng định.

Lấy Sennheiser - hãng sản xuất tai nghe và micro làm ví dụ. Với mục tiêu sản xuất hàng hóa mang tính toàn cầu, các ông chủ của hãng đang thuê ngày càng nhiều chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, họ cũng học hỏi từ thế giới và kết hợp vào trong sản phẩm của mình: Chất âm tinh tế của Nhật Bản và tính thời thượng trong thiết kế của Mỹ.

Tiến sĩ Wolfgang Manig - Phó đại sứ kiêm Tham tán kinh tế Đức tại Việt Nam: Mô hình Mittelstand không thể sao chép. Mỗi quốc gia cần phát triển mô hình của riêng mình. Tuy nhiên, thành công của cả nền kinh tế không thể chỉ phụ thuộc vào một mô hình nhất định. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tìm ra cách hiện đại hóa hệ thống kinh tế của mình.

Nhật Quang

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/ky-2-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam-hoc-hoi-duoc-gi-tu-mittelstand-201663.html