![]() |
Vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Năm 2016, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nhanh của hoạt động hàng không trong nước và quốc tế, tính chất hoạt động bay ngày càng đa dạng và phức tạp đã đặt ra nhiều áp lực cho công tác bảo đảm an toàn bay
Tuy vậy, nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, cùng sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan liên quan, tổng công ty đã vượt qua khó khăn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh được Nhà nước giao.
Theo đó, năm 2016, tổng công ty đã điều hành bay an toàn hơn 734.000 lần chuyến, tăng 14% so với kết quả thực hiện năm 2015. Tổng doanh thu khoảng 2.900 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 770 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên sản lượng điều hành bay của tổng công ty đạt mức trên 700 nghìn lần chuyến, đây là một mốc son quan trọng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của tổng công ty.
Đáng lưu ý, trong năm 2016, hoạt động bay tăng trưởng ở mức 2 con số, tính chất hoạt động bay ngày càng đa dạng; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp chiến lược và chiến thuật nhằm nâng cao năng lực điều hành bay. Trong đó phải kể đến các giải pháp tổng thể về tổ chức vùng trời nhằm giảm tải cho kiểm soát viên không lưu, giảm tắc nghẽn trong điều hành bay đi/đến tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Cụ thể, tổ chức chuyển đổi giai đoạn 3 dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội nhằm từng bước đạt được sự cân bằng lưu lượng điều hành bay giữa các phân khu, tăng năng lực tổng thể của toàn bộ hệ thống và tận dụng tối đa chức năng của các trang thiết bị hiện đại được đầu tư tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội. Bên cạnh đó, tổ chức chuyển đổi hệ thống đường bay song song một chiều trục Bắc - Nam dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến, góp phần nâng gấp đôi năng lực thông qua tàu bay trên trục bay Bắc - Nam.
VATM cũng chuyển đổi phương thức điều hành bay đi/đến theo công nghệ dẫn đường tiên tiến tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 10/11/2016. Đây được đánh giá là một trong những thành công rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điều hành bay tại Việt Nam, góp phần tối ưu hóa năng lực, khả năng thông qua tại vùng trời và tăng năng lực tổng thể từ 10-15% so với phương thức điều hành bay trước đây.
Nỗ lực cho những mục tiêu mới
Bước vào năm 2017, tổng công ty xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đảm bảo an toàn, điều hòa, hiệu quả cho 100% chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm, ưu tiên cho các chương trình đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị điều hành bay; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật; hoàn thiện phương thức bay, tổ chức vùng trời; với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của toàn bộ hệ thống cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay ngang tầm quốc tế.
6 tháng đầu năm 2017, sản lượng điều hành bay của VATM ước đạt 394.649 lần chuyến, đạt 51,21% kế hoạch được giao năm 2017, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu là 1.576 tỷ đồng, đạt 51,22% kế hoạch năm 2017. Lợi nhuận trước thuế 392 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2017. Nộp ngân sách nhà nước 1.065 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2017.
Tin vui còn đến với VATM khi ngay đầu năm, VATM đã vinh dự lọt Top 4 Giải thưởng IHS Jane’s ATC Award 2017 của Tổ chức các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO). Đây là giải thưởng dành cho nhà cung cấp dịch vụ không lưu có nhiều cống hiến trong việc duy trì bầu trời an toàn và hiệu quả. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tham gia đề cử cho giải thưởng với Tổ hợp Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội). Đây là một tổ hợp công nghiệp hàng không lần đầu tiên được xây dựng và triển khai áp dụng tại Việt Nam.
Sau hai năm đưa ATCC Hà Nội vào hoạt động, với tính năng vượt trội của hệ thống, tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực điều hành bay như cơ cấu lại tổ chức vùng trời, đưa vào khai thác hệ thống đường bay song song một chiều trục Bắc - Nam dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến (RNAV5) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Nhờ đó, năng lực điều hành bay trên toàn hệ thống tăng hơn 2 lần, năng lực điều hành bay thực tế của từng phân khu tăng hơn 50% so với mật độ bay vào giờ cao điểm, chất lượng điều hành bay và độ an toàn cũng được các hãng hàng không, cơ sở điều hành bay liên quan đánh giá cao và thỏa mãn, hài lòng các khách hàng trên toàn thế giới.
Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, VATM đã đăng cai tổ chức Hội nghị của CANSO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tham dự hội nghị có 150 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên của CANSO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị nhằm tập trung thảo luận các nội dung: Đánh giá thực trạng và dự báo tăng trưởng hoạt động hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đón nhận sự thay đổi trong công tác quản lý không lưu; tăng tốc cho sự phát triển - xây dựng năng lực đối với nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
VATM đang triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực, an toàn và chất lượng dịch vụ, đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Việc CANSO khu vực lựa chọn tổ chức Hội nghị CANSO châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam là cơ hội để cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nói chung và lĩnh vực không lưu, an toàn của tổng công ty nói riêng có cơ hội tham khảo ý kiến tư vấn, khuyến cáo của các chuyên gia ICAO, CANSO trong quá trình triển khai những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Việt Nam.
Bằng nhiều nỗ lực, hoạt động của VATM đã thu được nhiều kết quả tích cực. VATM đang hướng tới mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2017 và kế hoạch 5 năm (2016-2020), quyết tâm phấn đấu xây dựng VATM đủ năng lực, điều kiện hội nhập và phát triển lớn mạnh vươn tầm khu vực và thế giới.
Năm 2017, mục tiêu của VATM là tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, tạo bứt phá, tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tuyệt đối an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. |