|
Xây dựng “sản phẩm xanh” đặc thù
Tại Hội thảo “Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia” diễn ra ở Ninh Bình mới đây, PGS.TS Phạm Trung Lương - Viện Môi trường khuyến cáo, hiện nhiều khu du lịch ven biển như Ana Mandara (Thuận An, Huế); khu du lịch Cửa Đại (Hội An), khu du lịch Khai Long (Cà Mau) đang bị tác động ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể bị “xóa sổ” bởi biến đổi khí hậu.
|
Trước thách thức này, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch xanh là ưu tiên hàng đầu. Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, đây là phương sách hết sức quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, phát triển bền vững. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, dựa vào đặc điểm tài nguyên, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, biển đảo, hay du lịch nông thôn gắn với trang trại, miệt vườn… và thu hút rất đông du khách.
Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Phạm Trung Lương thì du lịch xanh ở Việt Nam chưa thật sự phát triển như mong muốn, các sản phẩm du lịch xanh còn thiếu những căn cứ khoa học cần thiết, đặc biệt trong xác định tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản, đại diện. “Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch biển xanh đặc thù ở cấp độ vùng và ở cấp quốc gia để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” - ông Lương cho hay.
Không chỉ vậy, nhiều tài nguyên du lịch có được tất cả những đặc tính cần thiết để phát triển thành sản phẩm du lịch xanh đặc thù, song lại không được khai thác một cách hợp lý, thậm chí còn bị biến dạng bởi những ý tưởng thiếu căn cứ khoa học. Như Phú Quốc, mặc dù được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới nhưng hiện đã bị “biến dạng” ở một số khu vực bởi các công trình nhân tạo, mật độ xây dựng công trình dịch vụ du lịch cao.
Ngoài ra, vì mục tiêu giảm chi phí và tăng thu, nhiều công ty du lịch thay vì tiến hành điều tra khảo sát xây dựng chương trình tour, đánh giá cung, cầu để xây dựng sản phẩm du lịch xanh phù hợp thì đã tiến hành sao chép sản phẩm du lịch của công ty khác. Vì vậy, ông Lương nhấn mạnh, do thiếu vắng những sản phẩm du lịch xanh đặc thù nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh, tính hấp dẫn du lịch của điểm đến, trong khi đó, sản phẩm lại được coi là yếu tố quyết định hàng đầu.
Tiếp cận xanh tại khu du lịch quốc gia
Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển 46-47 khu du lịch quốc gia, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Theo quy định tại Luật Du lịch, bên cạnh tài nguyên du lịch, khu du lịch quốc gia có khả năng kết nối với hệ thống hạ tầng quốc gia, có khả năng thu hút đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ với quy mô lớn, và khả năng tiếp nhận tối thiểu 1 triệu lượt khách du lịch một năm.
Với quy định này, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiến nghị, khu du lịch quốc gia cần sớm được quản lý theo tư duy tiếp cận xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, mỗi loại hình khu du lịch quốc gia có những tính chất riêng, vì vậy yêu cầu phát triển xanh, bảo vệ môi trường cũng có những đặc điểm khác nhau.
Trong Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến tổng đầu tư cho phát triển du lịch giai đoạn 2011-2030 là 1.893 tỷ đồng, trong đó các khu du lịch quốc gia chiếm khoảng 33%. Như vậy, việc định hướng đầu tư ngay từ đầu vào tiêu chí xanh tại khu du lịch quốc gia sẽ sớm giúp đạt tiêu chí xanh, cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư. “46 khu du lịch quốc gia được quy hoạch đến năm 2030 theo 7 vùng một khi được định hướng và thực hiện tốt việc phát triển theo hướng xanh sẽ là nhân tố quan trọng cho phát triển du lịch của vùng, của đất nước” - ông Sơn nhận định.
Ngoài ra, do đặc điểm của khu du lịch quốc gia là khu vực kinh doanh du lịch với quy mô lớn, tập trung khai thác, sử dụng các giá trị tài nguyên, môi trường du lịch phục vụ lượng khách đông đảo, nên ông Sơn cho rằng, trong quản lý phát triển du lịch xanh cần quan tâm đến chất thải và bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch.
PGS.TS Nguyễn Danh Sơn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Tuy nhiên, đang có những hệ lụy tiêu cực từ phát triển du lịch theo kiểu khai thác thô bạo, chạy theo lợi ích kinh tế mà không chú ý tới bảo vệ, bảo tồn tài nguyên du lịch. |