Bác Hồ, những ngày tháng 8/1945

08:15 | 02/09/2017 In bài biết
Cách đây 72 năm, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi hoàn toàn trên khắp cả nước, đem lại động lực tinh thần vô cùng to lớn cho cả dân tộc. Giữa những ngày lịch sử đó, Bác Hồ đã từ chiến khu về Hà Nội trực tiếp chỉ đạo mọi công việc chuẩn bị cho thời khắc quan trọng nhất của cuộc cách mạng - ngày tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
bac ho nhung ngay thang 81945

Ngày 23/8/1945, Bác từ bờ bắc sông Hồng vượt sông sang xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Ngày 25/8/1945, đồng chí Trường Chinh đón Bác vào nội thành. Xe của Bác đi theo đường đê Yên Phụ, Hàng Than, Hàng Giấy, Hàng Mã rồi đến số nhà 35 Hàng Cân để vào 48 Hàng Ngang - căn nhà của vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản dân tộc và cũng là cơ sở của cách mạng từ trước năm 1945. Đây là địa điểm Bác đã lựa chọn trong số các phương án địa điểm bí mật trong nội thành mà các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã trình với Bác.

Ngay ngày hôm sau tại tầng 2 của ngôi nhà, Người chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thống nhất những chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, tổ chức và công bố thành viên của Chính phủ lâm thời, chuẩn bị ra Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn tại Hà Nội....

Ngày 27/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập cuộc họp của Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Trong cuộc họp này, Người đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, có danh vọng. Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

bac ho nhung ngay thang 81945
Trong ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô tại số 48 Hàng Ngang, một căn phòng trên gác hai phía sau phòng nghỉ được bố trí làm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng

Sau đó, trong các ngày từ 28 đến 30/8, Bác tập trung cho công việc khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập. Giữa lòng thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lặng lẽ làm một trong những công việc hệ trọng nhất trong cuộc đời cách mạng của Người, đưa đất nước bắt kịp vận hội lịch sử.

bac ho nhung ngay thang 81945
Chiếc bàn nơi Bác Hồ khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập. Mọi đồ vật trên căn gác số nhà 48 Hàng Ngang vẫn được bài trí như cách đây 72 năm
bac ho nhung ngay thang 81945
Từ năm 1970, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được dành làm nơi lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chiều 30/8, Bác cho mời một số đồng chí đến để nghe văn bản khởi thảo của Bác. Các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đã góp nhiều ý kiến xác đáng. Đặc biệt, trong số những người được mời đến địa chỉ 48 Hàng Ngang có cả một sĩ quan tình báo Mỹ là thiếu tá Archimedes L.A Patti, 31 tuổi, đến Hà Nội khi đó với vai trò Trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Hoa Kỳ thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giới quân Nhật tại Bắc Đông Dương. Ông A.Patti đã rất vinh dự được trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh về một số nội dung của bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Trên cơ sở những cuộc trao đổi đó, ngày 31/8/1945, Hồ Chủ tịch đã bổ sung thêm một số đoạn trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Và những dòng chữ bất hủ sau cùng của bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Người viết vào ngày hôm đó: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Những ngày tháng 8 ấy, tại căn nhà 48 Hàng Ngang, Bác thường làm việc rất khuya. Tiếng máy chữ vang lên lách cách đều đặn từ căn phòng nhỏ trên tầng 2 sau những cuộc gặp mặt sôi nổi, căng thẳng. Nhưng sáng hôm sau, Người vẫn giữ thói quen thức dậy từ rất sớm, tập thể dục đều đặn. Những người trong nhà, kể cả vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, đều chỉ biết ông cụ gày gò ở trên tầng 2 ngôi nhà của mình là một cán bộ cao cấp của Việt Minh mà không hề biết ông cụ đang viết gì. Chỉ đến ngày Độc lập 2/9/1945, khi Hồ Chủ tịch ra mắt quốc dân đồng bào, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thì cả gia đình ông mới biết đó là Bác Hồ, và những giờ phút được gặp Người tại 48 Hàng Ngang là những khoảnh khắc vô giá mà cả gia đình đã may mắn có được trong đời.

Quang Lộc

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/bac-ho-nhung-ngay-thang-81945-201221.html