|
Vai trò đã được khẳng định
Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân đánh giá: Trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để KTTN phát triển.
Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 5/2017) đã ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN, với mục tiêu phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Nghị quyết được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực KTTN và toàn bộ nền kinh tế.
Dẫn số liệu khẳng định vai trò quan trọng của KTTN, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh, những năm gần đây, KTTN đã có những bước phát triển đột phá như: Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 10%/năm; tỷ trọng đóng góp trong GDP duy trì ổn định ở mức 39-40%; thu hút 85% tổng số lao động trong nền kinh tế.…
Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân tăng nhanh, từ 55.236 DN (năm 2002) lên 495.826 DN (năm 2015) với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh, riêng năm 2016 có hơn 110 nghìn DN được thành lập mới. “Có rất nhiều sáng kiến, đổi mới và sự đột phá xuất phát từ những DN thuộc khối này” - ông Lực bổ sung.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế này cũng còn nhiều hạn chế. Theo đó, đa số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là các DN nhỏ và siêu nhỏ, quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính yếu nên năng lực cạnh tranh thường thấp hơn các DN nhà nước (DNNN) và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều DNTN còn kinh doanh theo hình thức ngắn hạn, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; ý thức tự giác chấp hành pháp luật còn hạn chế. Đội ngũ doanh nhân của khu vực KTTN chưa thực sự lớn mạnh, còn thiếu kinh nghiệm trên thương trường quốc tế và chưa được đào tạo sâu về quản lý sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nhân còn thiếu trách nhiệm với xã hội, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm tăng thêm các tiêu cực xã hội, môi trường....
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Một số kết quả khảo sát DNTN do các tổ chức phi Chính phủ công bố gần đây cho thấy, khu vực KTTN vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, từ tư duy lý luận, khung khổ pháp luật đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, các khoản chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật....
Từ những “điểm nghẽn” này, ông Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào 9 vấn đề, trong đó, 3 vấn đề cần xử lý ngay là: Đất đai; tài chính, ngân hàng và bộ máy hành chính. 3 vấn đề có thể xử lý trong trung hạn là: Rủi ro kinh tế vĩ mô; chính sách thuế và cấp phép kinh doanh. Còn trong dài hạn, cần xử lý các vấn đề về cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực và tính thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu cạnh tranh của thị trường.
Bổ sung, chuyên gia kinh tế Phan Thanh Hà cho rằng, khi DNNN vẫn còn hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực thì điều quan trọng nhất là xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNTN và DNNN, tạo bình đẳng về cơ hội và tiếp cận nguồn lực giữa DNNN với DNTN và ngay trong nội bộ KTTN. Bên cạnh đó, cần giảm gánh nặng thuế và phí, đơn giản hoá cách tính thuế; tiếp tục triển khai kê khai và nộp thuế điện tử, kết nối mạng cơ quan thuế, kho bạc và hải quan.…
Nói lên tiếng nói của khối DN nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách; triệt để cải cách hành chính; hoàn thiện pháp luật về chế độ sở hữu; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của DN…, thì Nhà nước cần sớm ban hành Luật Hội nhằm thúc đẩy phát triển các hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của các DN sở hữu tư nhân.
Ở khía cạnh khác, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, hiện KTTN mới đóng góp gần 40% GDP, như vậy là chưa đủ để gọi là “động lực” của nền kinh tế. Do đó, trong thời gian tới, cần đặt mục tiêu cao hơn, có thể là đến năm 2020, KTTN sẽ đóng góp khoảng 45% GDP, trong đó DNTN nội địa chiếm 70%.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN nêu rõ: “…Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của KTTN, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính”. |