Được thành lập từ năm 1957 với tên gọi Công ty Cung tiêu thủy hải sản Thái Bình, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như đánh bắt, nuôi trồng, thu mua, chế biến và dịch vụ thủy hải sản, sau đó được đổi tên thành Công ty Hải sản Thái Bình là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sở Thủy sản Thái Bình. Năm 2005, thực hiện Quyết định số 720/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công ty một lần nữa đổi tên thành Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình với 100% vốn điều lệ của cổ đông và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Xuất phát là một doanh nghiệp nhà nước, quy mô công ty có thời điểm lên tới hàng ngàn lao động, hàng năm sản xuất và tiêu thụ hàng chục triệu đơn vị sản phẩm, đóng góp cho ngân sách nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhờ đó, công ty đảm bảo mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng 25% so với cùng kỳ, hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Đến nay, dù đang hoạt động với tư cách pháp nhân riêng, song Công ty CP Hải sản Thái Bình vẫn luôn giữ vững phong độ kinh doanh. Hiện công ty có 5 xí nghiệp trực thuộc gồm: Xí nghiệp chế biến hải sản Diêm Điền, Xí nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, Xí nghiệp chế biến thủy sản Tam Lạc, Xí nghiệp chế biến hải sản Cửa Lân, Xí nghiệp sản xuất kinh doanh hậu cần dịch vụ thủy sản. Về cơ cấu tổ chức, công ty có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc công ty cùng 360 cán bộ nhân viên đảm nhiệm các vị trí công việc khác nhau. Coi phong trào đoàn thể là một trong những chất keo gắn kết và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên, nên hội cựu chiến binh, các tổ chức công đoàn của công ty vẫn luôn được duy trì hoạt động, công ty hiện có 68 đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ.
Thực hiện chủ trương “Đầu tư sản xuất phù hợp với nguồn vốn hiện có”, chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi chuyển đổi mô hình quản lý từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, Công ty CP Hải sản Thái Bình đã đầu tư cơ sở vật chất lên tới gần 100 tỷ đồng, trong đó có các công trình trọng điểm như: Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu; hệ thống ô bể, vệ sinh an toàn thực phẩm - môi trường và các công trình phụ trợ khác; phương tiện vận tải, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã sở hữu hệ thống sản phẩm với nhiều chủng loại phong phú, chất lượng cao, đáp ứng tối đa thị hiếu người tiêu dùng, đặc biệt phù hợp với túi tiền của nhiều phân khúc khách hàng.
Cùng với việc củng cố cơ sở vật chất, công ty còn đặc biệt chú trọng ổn định đời sống công nhân viên để họ toàn tâm toàn ý với sự nghiệp xây dựng công ty. Từ mức thu nhập bình quân 300 ngàn đồng/người tháng giai đoạn mới cổ phần hóa, nay đã tăng lên 9 triệu đồng/người/tháng. Người lao động được đóng bảo hiểm đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ, trang cấp bảo hộ lao động và chế độ ăn ca.
Để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, Công ty CP Hải sản Thái Bình đã phải đối mặt với không ít thách thức. Đầu tiên là vấn đề chủ động vùng nguyên liệu, bởi nguồn cung ứng nguyên liệu cho công ty hoàn toàn phụ thuộc vào các ngư dân, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất và quy trình phân phối sản phẩm trên thị trường. Trên thực tế, đa số người dân nuôi tôm cá với số lượng lớn chưa đảm bảo đúng kỹ thuật nên hầu hết nguyên liệu chỉ phù hợp với thị trường tiểu ngạch, trong khi đó ở thị trường tiềm năng như Nhật Bản lại bị từ chối, rất khó để tiêu thụ. Cùng với đó là khó khăn về cạnh tranh thị trường, nguyên liệu giữa công ty với các đơn vị tư nhân. Hiện Thái Bình có 28 cơ sở sản xuất hải sản nói chung, trong đó tư nhân chiếm chủ yếu nên việc cạnh tranh nguyên liệu diễn ra ngày càng quyết liệt. Đặc biệt, sự cố môi trường biển Formosa vừa qua cũng đã tác động rất lớn đến khả năng xuất khẩu sản phẩm ra các thị trường quốc tế.
Với bề dày trên 60 năm kinh nghiệm sản xuất các mặt hàng thủy hải sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Công ty CP Hải sản Thái Bình đã tạo dựng thương hiệu “Hải sản Thái Bình” ngày càng uy tín trên thị trường. Logo của công ty được thiết lập từ năm 1998 với hình khối và màu sắc biểu trưng cho 4 lĩnh vực là: Khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ thủy hải sản đã được khách hàng gần xa qua các thế hệ nhớ tới. Công ty CP Hải sản Thái Bình đã giải quyết khá tốt những khó khăn cơ bản của các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực hải sản như vấn đề nguồn nguyên liệu, chất lượng, dịch vụ… và là minh chứng rõ ràng cho việc xây dựng một mô hình kinh doanh hải sản tại các địa phương tương đối hiệu quả. Nhiều sản phẩm của công ty đã vinh dự được tôn vinh qua các hội chợ lớn của tỉnh, cũng như khu vực và cả nước và giành nhiều danh hiệu lớn. Tiêu biểu như Huy chương vàng “Sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng”; Cúp vàng “Sản phẩm Việt hợp chuẩn WTO về sở hữu trí tuệ”; Huy chương vàng “Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn”; Cúp vàng “Thương hiệu an toàn vì sức khoẻ cộng đồng”....
Tiếp nối chiến lược kinh doanh đúng đắn với những bước chuyển mình vững chắc, thời gian tới, Công ty CP Hải sản Thái Bình sẽ tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người Việt. Đồng thời, công ty cũng sẽ tăng cường nâng cấp hệ thống phương tiện vận tải, bán hàng lưu động, ngoài xe tải với tải trọng lớn công ty sắm thêm 5 xe vận tải nhỏ tới các vùng nông thôn. Đặc biệt, công ty sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm để có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau.
|
Giữa nhịp kinh doanh hiện đại, bên cạnh việc chú trọng phát triển về “chất” và “lượng”, Công ty CP Hải sản Thái Bình cũng sẽ tích cực quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để đưa thương hiệu “Hải sản Thái Bình” đến gần hơn với bữa cơm người Việt. Tin tưởng vào thành công đã gặt hái được, trong tương lai không xa, Công ty CP Hải sản Thái Bình hứa hẹn sẽ còn tiến nhanh, mạnh và vững chắc hơn nữa trên chặng đường chinh phục thị trường quốc tế.