Kiên định mục tiêu tăng trưởng
Năm 2017, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP phải đạt 6,7%. Ngay từ đầu năm, dù đã quyết liệt vào cuộc với nhiều giải pháp nhưng đến hết quý I, tăng trưởng GDP mới đạt 5,15% và quý II tăng 6,28%.
Nhìn vào hai con số này, cùng với tác động nặng nề của thiên tai; những khó khăn, thách thức từ nội tại nền kinh tế trong nước khi nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá, nợ công cao, nợ xấu ngân hàng tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất; và sự điều chỉnh chính sách thương mại, đối ngoại của các nước lớn như Mỹ, Anh..., không ít chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế đã cho rằng cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng sao cho phù hợp. Và trên thực tế đã có số liệu dự báo mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 6,3%.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Chính phủ quyết tâm kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7% Quốc hội đã đề ra. Bằng những giải pháp cụ thể, nhiều ngành, nhiều địa phương đã chủ động, tiên phong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
|
Với nỗ lực ấy, kết quả quý III và IV đã có bước tăng trưởng thần kỳ, góp phần quan trọng, quyết định đến mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,81%; xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2%. Trong đó, hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,92 tỷ USD; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%; gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... theo hướng khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Sự chuyển biến này đã được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao. Ví dụ như Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên vị trí 55/137 nền kinh tế; Ngân hàng Thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên vị trí 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự kiên định của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu với rất nhiều “điểm sáng”.
Kỳ vọng tăng trưởng năm 2018
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2018 đã được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, Chính phủ xác định phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, đồng thời đề ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể như: Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7% (Quốc hội giao 6,5-6,7%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10% (Quốc hội giao tăng 7-8%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10%; thành lập mới khoảng 135 nghìn doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng gồm: Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%; năng suất lao động tăng 5,9%; chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi ngân sách nhà nước, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP.
Theo ông Võ Trí Thành, những thành tựu đạt được của năm 2017 sẽ mở ra cơ hội rất lớn, tạo đà cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2018. Trong đó có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp mới thành lập trong hai năm 2016-2017; sự giải ngân của dòng vốn FDI; một số hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có hiệu lực trong năm 2018 như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); môi trường kinh doanh được cải thiện thông qua việc Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo...
Bổ sung thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với quan điểm phát triển bền vững, xây dựng chính phủ kiến tạo, cải cách thể chế; thúc đẩy kinh tế tư nhân, tái cấu trúc nền kinh tế đúng hướng... cùng với tín hiệu lạc quan của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ, sẽ tạo hiệu ứng tốt cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là vấn đề xuất khẩu. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2018 không phải quá khó.
|
Tuy nhiên, để có thể tận dụng các cơ hội, hóa giải thách thức, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh nỗ lực giải quyết những tồn tại cố hữu, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động thông qua cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy hơn nữa cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tập trung vào những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo điều kiện để khu vực này tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao kỹ năng, sáng tạo. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về những cơ hội, thách thức mà các FTA mang lại, từ đó có những hướng đi đúng, kịp thời, nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Dẫu còn khó khăn trước mắt, nhưng tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng thuận của cả xã hội, kinh tế Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu mới rực rỡ hơn trong năm 2018 và các năm tiếp theo.