Doanh nghiệp tư nhân đang cảm thấy ấm lòng

10:00 | 13/02/2018 In bài biết
(VEN) - Với những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sự chuyển động tích cực của các bộ, ngành, địa phương…, nhiều doanh nghiệp (DN) khối tư nhân đang cảm thấy ấm lòng, có động lực để phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ

Đã có thời kỳ dư luận xã hội kỳ thị kinh tế tư nhân, chỉ coi trọng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Nhưng nay thì kinh tế tư nhân đã được đề cao và thậm chí còn được coi như "cứu cánh" của sự phát triển, “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế.

Bảng xếp hạng 500 DN lớn của Việt Nam (VNR500) năm 2017 tiếp tục ghi nhận sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân. Nếu như năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500, DN tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối DN này đã tăng gấp 2,5 lần, chiếm tới 50% số DN trong bảng xếp hạng.

doanh nghiep tu nhan dang cam thay am long

Đáng chú ý, về mặt doanh thu, năm 2017, dù khu vực kinh tế Nhà nước vẫn có tỷ trọng lớn nhất với 52%, nhưng kết quả này đã giảm tới 7% so với năm 2016 là 59%. Trong khi đóng góp của khu vực tư nhân đã tăng từ 27% trong năm 2016 lên 32,3% năm 2017. Năm 2017 cũng ghi nhận là năm có số DN tư nhân mới được thành lập cao nhất từ trước đến nay, với 127.000 DN.

Xu hướng tăng số lượng DN và tỷ trọng doanh thu của khối tư nhân phản ánh phần nào nhận thức của toàn hệ thống chính trị - xã hội đối với vai trò của kinh tế tư nhân theo hướng ngày càng tích cực. Ngay quan điểm của Đảng đối với kinh tế tư nhân cũng đã thay đổi từ chỗ hạn chế phát triển, không thừa nhận sự tồn tại của khu vực này chuyển sang “từng bước chấp nhận” (từ sau Đại hội VI) và đến nay được coi là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” (văn kiện Đại hội XII của Đảng). Đảng đã ban hành nghị quyết riêng về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, trong đó đề ra nhiều giải pháp quan trọng như tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Theo giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Mại, những số liệu đó thể hiện niềm tin của dân chúng vào tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh đã tăng lên, yên tâm bỏ vốn đầu tư lập DN; từ vài chục nghìn DN vào những năm đầu thế kỷ này, năm 2017, số DN mới được thành lập đã vượt qua con số 100 nghìn và mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là khả thi.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, trong hai năm vừa qua, hàng loạt kiến nghị của DN, hiệp hội DN, VCCI đã đến được các cuộc họp Chính phủ, đã được xử lý trong các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản, cơ chế, chính sách mới. Chính những điều đó khiến ông nhận thấy DN khối tư nhân đã bớt cô đơn và đang cảm thấy ấm lòng.

Cần giải pháp đồng bộ

Mặc dù vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được ghi nhận; các chính sách, môi trường đầu tư tại các địa phương nói riêng và cả nước nói chung đã thông thoáng hơn, tuy nhiên, trên thực tế, số lượng DN nhỏ và vừa vẫn chiếm phần lớn, sản xuất manh mún, gặp nhiều khó khăn, công nghệ lạc hậu, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp. Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển thực sự năng động, trở thành động lực của nền kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, DN cần nhìn thấy Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từng công chức hành động nhiều hơn, rõ nét hơn theo đúng cam kết hành động vì sự phát triển thuận lợi của người dân, DN.

Theo nhận định chung của nhiều chuyên gia, để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân có được sự bứt phá thật sự, phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, trước hết cần thay đổi nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân, phải khẳng định đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Thêm vào đó, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân theo hướng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tư nhân; trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường tiếp cận nguồn lực và nhất là đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; phát triển các yếu tố thị trường nhằm phục vụ hiệu quả nhất chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là chuyển từ trạng thái kiểm soát sang trạng thái hỗ trợ; giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh.

Tình hình kinh tế năm 2018 được dự báo sẽ phân hóa cao các DN, đặc biệt là với các DN nhỏ và vừa hoạt động trong những ngành đặc thù. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các DN trong thời gian tới cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong tiến trình số hóa. Điều này sẽ giúp các DN thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, tăng năng suất, đồng thời giảm bớt chi phí kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ tự tin và trình độ để hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam tổ chức trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: Chính phủ luôn nhất quán với mục tiêu đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn. Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50 đến 60% GDP.

Thanh Tâm

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-dang-cam-thay-am-long-199245.html