(VEN) - Mùa xuân mang theo sự quyến rũ của nắng, của gió, của hoa trái, sản vật... Và nhiều làng nghề truyền thống đất phương Nam cũng hòa nhịp sống sôi động mang màu sắc, hương vị đậm đà, phong phú mỗi khi Tết đến xuân về.
 | Làm tôm khô mùa Tết | |
Về thị xã Hà Tiên - tỉnh Kiên Giang, thị xã hiện có khoảng 200 hộ gia đình theo nghề sản xuất tôm khô phục vụ dịp tết. Tôm khô Hà Tiên làm từ nguyên liệu tôm tươi sống được đánh bắt tự nhiên như tôm đất, tôm he, tôm sắt, tôm chì từ đầm Đông Hồ và vùng biển thị xã Hà Tiên. Với vị ngọt, thơm đặc trưng ít nơi nào sánh được, tôm khô Hà Tiên đã được phân phối tại các hệ thống bán lẻ của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Không khí nhà nhà thật tất bật với những mẻ tôm khô mới ra lò, tiếng nói cười rộn rã dường như xua đi cái mệt mỏi của nhiều đêm thức khuya, dậy sớm. Việc xây dựng thương hiệu tôm khô Hà Tiên hiện đang được các ngành chức năng chuẩn bị các bước để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ vào năm 2018.
 | Nem Lai Vung luôn đắt khách | |
Làng nghề sản xuất nem Lai Vung - tỉnh Đồng Tháp cũng tất bật trong những ngày gần Tết. Đó là thời điểm các cơ sở sản xuất nem trên địa bàn phải tăng gấp đôi số lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Trung bình mỗi cơ sở ngày thường sản xuất từ 2.000-3.000 chiếc, thì trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng bắt đầu tăng lượng sản phẩm lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao uy tín cho làng nghề, các cơ sở nem trên địa bàn huyện không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng tại tỉnh Đồng Tháp, làng nghề chế biến dưa kiệu ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cũng vào vụ mùa Tết. Hàng năm, nông dân Tam Nông trồng khoảng 100 ha kiệu, tập trung chủ yếu ở các xã Phú Hiệp, Phú Đức và Phú Thành B. Cây kiệu đã gắn bó và là một trong những cây trồng giúp nông dân Tam Nông vượt khó, làm giàu. Bên cạnh việc áp dụng đúng quy trình từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc và thu hoạch, những người dân ở làng dưa kiệu Phú Hiệp còn chế biến dưa kiệu đóng hộp theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm.
 | Làng bánh tráng Thuận Hưng | |
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cũng hoạt động suốt ngày đêm phục vụ cho mùa Tết. Làng nghề đã có trên 100 năm tuổi, sản xuất đủ loại từ bánh tráng mặn, bánh xốp là loại bánh không pha muối, đến bánh tráng nem và bánh tráng dừa. Dù là loại bánh tráng nào cũng đều mang dư vị rất riêng không nhầm lẫn với nơi nào khác, bởi người làm bánh ở Thuận Hưng thường chọn gạo đặc sản của Thốt Nốt. Người Thuận Hưng cũng có bí quyết riêng trong khâu pha bột, nên bánh khi dùng vẫn còn thơm mùi gạo, không dai và cũng không bị bở. Đến nay, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã được TP. Cần Thơ công nhận làng nghề truyền thống và là một trong những đặc sản phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Xuôi về Trà Vinh, nơi có nhiều làng nghề truyền thống với những sản vật đặc trưng là bánh tét Trà Cuôn của cô Hai Lý và chả hoa Năm Thụy, đây là hai món ăn độc đáo không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp Tết đến. Chả hoa khác với chả lụa truyền thống ở chỗ khi cắt ra sẽ có hình giống như bông hoa, ở giữa là trứng muối, xung quanh là nấm mèo, chả, ngoài cùng là lớp trứng gà đánh tan chiên thành tấm cuộn bên ngoài.
Cùng với sản vật của các làng nghề mang lại hương vị đậm đà cho ngày Tết phương Nam, những làng hoa, làng dệt chiếu, thổ cẩm... còn mang đến cho ngày Tết những màu sắc, không khí tươi mới, ấm cúng trong từng gia đình.
 | Phơi lác (cói) đã nhuộm màu để dệt chiếu tại Định Yên | |
Tại huyện Lấp Vò - tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 10 âm lịch trở đi, nhà nhà trong làng nghề dệt chiếu ở xã Định An và Định Yên đã hối hả tăng công suất để có đủ sản phẩm phục vụ khách hàng trên mọi miền đất nước. Đối với người dân làng nghề dệt chiếu, đây là mùa làm ăn, bởi trong một năm, sản phẩm làm ra bán chạy và được giá nhất là vào mùa Tết. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn và cần sự tỉ mỉ của người thợ dệt mới có thể làm ra những đôi chiếu đẹp, nhiều màu sắc. Từ nguyên liệu là cây cỏ lác (cây cói), phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm màu và dệt. Cũng trong những năm gần đây, các gia đình theo nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, Định An đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt để giảm bớt công lao động, nâng cao thêm năng suất và chất lượng của sản phẩm.
 | Làng hoa Sa Đéc | |
Cũng mỗi độ Tết đến xuân về, dọc hai bên đường ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) dài hàng cây số đâu đâu cũng gặp những ruộng hoa ngút ngàn, khoe đủ màu sắc. Người dân ở làng hoa tất bật chăm sóc, ươm, trồng mong một mùa bội thu. Năm 2017, diện tích hoa kiểng toàn TP. Sa Đéc đạt trên 500 ha với khoảng 2.300 hộ sản xuất kinh doanh trên 2.000 chủng loại hoa kiểng, mang lại giá trị chiếm khoảng 61% giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Sa Đéc. Bên cạnh đó, TP. Sa Đéc đã ký biên bản ghi nhớ về tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Emmem (Hà Lan) trong lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp công nghệ cao và đang kêu gọi các doanh nghiệp, công ty về đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ hoa kiểng, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Bằng sức sống, nội lực từ chính đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, từ nguồn nguyên vật liệu phong phú đặc trưng của từng địa phương, người dân phương Nam hôm nay đã và đang chung tay, góp sức đưa làng nghề truyền thống sang một trang mới, trở thành địa chỉ sản xuất những sản phẩm độc đáo, phân phối đi nhiều tỉnh thành trong cả nước, giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, làm giàu ngay tại quê hương mình.