![]() |
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng hấp dẫn đầu tư |
Khoảng thời gian giữa năm 2017, nhà đầu tư quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam đã rất “quan ngại” khi chứng kiến một vài ngân hàng nước ngoài lần lượt rút vốn khỏi các ngân hàng Việt Nam. Điển hình như trường hợp của Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) tuyên bố rút toàn bộ vốn tại Ngân hàng Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sau nhiều năm đầu tư. Tiếp đó, hai ngân hàng Standard Chartered (Hồng Kông) và Standard Chartered (Anh) cũng lần lượt bán sạch cổ phiếu tại Ngân hàng Á Châu (ACB). Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh;…
Theo đánh giá của Công ty định mức tín nhiệm Standard & Poor's, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam, các đối tác ngoại sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn với gần 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ. |
Điều đó đã dấy lên lo ngại về sức hấp dẫn của thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, những lo ngại này đã sớm tan biến khi những con số lợi nhuận và xử lý nợ xấu được các ngân hàng nội công bố trong thời gian gần đây. Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng điểm, được nhiều nhà đầu tư “săn đón”, có những thời điểm, cổ phiếu ngân hàng trở thành “bệ đỡ” cho thị trường chứng khoán tăng điểm. Nhiều ngân hàng nội cũng đã lọt vào “tầm ngắm” dài hạn của các đối tác ngoại.
Theo thông tin mới nhất từ trang tin Business Korea của Hàn Quốc, Ngân hàng Korea Exchange Bank- chi nhánh Hà Nội (KEB Hana), một công ty con thuộc tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc dự định sẽ mua lại cổ phần tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Theo kế hoạch, KEB Hana sẽ mua cổ phần tại BIDV khi ngân hàng tăng vốn mới để cải thiện cơ cấu tài chính. Từ phía BIDV cũng đã công bố kế hoạch bán 15% cổ phần cho một đối tác chiến lược nước ngoài và 10% cho một nhà đầu tư tài chính ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018.
Có thể thấy, sự thay đổi về chất, bao gồm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém đã tạo cơ hội cho tăng trưởng tín dụng được dự báo đạt mức 17- 19% trong năm 2018. Đặc biệt, Thông tư số 19/2017/TT- NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã nới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tối đa áp dụng cho các ngân hàng thương mại từ 40% lên 45% bắt đầu từ ngày 1/1/2018. Tất cả những yếu tố này đã tạo ra sức hấp dẫn lớn cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam.