![]() |
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% cho năm 2018 |
Liên quan đến câu chuyện vốn, tín dụng và bài toán tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 cũng như việc làm lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư- cho rằng, hiện hệ số K của nhiều ngân hàng đã giảm, do đó rủi ro của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên, việc tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại đang trở nên quan trọng, cấp thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II sẽ được áp dụng vào năm 2020. Trong khi đó, để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức 17%, song vẫn phải ưu tiên hàng đầu cho việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy mục tiêu giảm lãi suất còn nhiều trăn trở.
Ông Vũ Viết Ngoạn – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng – phân tích, bối cảnh năm 2018 cho thấy, hai biến số về lãi suất và tỷ giá là khó thực hiện nhất. Lý do bởi sức ép lạm phát được dự báo cao hơn, lãi suất USD có xu hướng tăng, trong khi chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu phải chú trọng vào ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch tỷ giá ở mức độ hợp lý, nhằm thu hút nguồn vốn VND gửi qua kênh tiết kiệm tại các ngân hàng. Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn cần phải đạt được mức lợi nhuận hợp lý, để đảm bảo có dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu. Muốn giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động và có hạ được lãi suất huy động hay không lại phụ thuộc vào việc có thay đổi được nguồn vốn huy động hay không. Ngoài ra, hiện nay vẫn có một số ngân hàng thương mại còn gặp khó khăn về thanh khoản dẫn đến mức lãi suất huy động trong hệ thống có sự chênh nhau khá lớn (khoảng 2%), làm cho những ngân hàng này cải thiện được tính thanh khoản để giảm lãi suất tín dụng cũng là một bài toán không dễ đối với Ngân hàng Nhà nước. Ông Vũ Viết Ngoạn đánh giá, các điều kiện để giảm lãi suất tín dụng trong năm 2018 là khó khăn hơn so với năm 2017.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Trần Du Lịch, nền kinh tế Việt Nam kinh doanh dựa vào vay nợ là chính. Thực tế cho thấy, khi nhà nước muốn đầu tư thì đi vay trái phiếu, doanh nghiệp muốn đầu tư thì đi vay ngân hàng. Hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay đang kiêm cả việc cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho nền kinh tế. Mối quan hệ cung cầu tín dụng phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng thương mại, muốn giảm lãi suất tín dụng, Ngân nhà Nhà nước lại phải mở rộng chính sách tiền tệ, điều chỉnh giảm lãi suất tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại, trong khi điều này có thể làm gia tăng áp lực lạm phát.
Ở góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ - ngân hàng, ông Nguyễn Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước – cho biết, mới đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc khảo sát về tỷ giá, lạm phát và lãi suất tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại và ý kiến của các chuyên gia kinh tế. Kết quả cho thấy, tình hình lạm phát trong thời điểm hiện nay ước tính đang ở mức khoảng 3,7%. Trong 2 tháng đầu năm 2018, áp lực lạm phát gia tăng do các yếu tố mùa vụ và sự tác động từ việc tăng giá điện, giá xăng...
Về mục tiêu giảm lãi suất, đồng tình với những nhận định từ phía các chuyên gia, ông Nguyễn Tú Anh- khẳng định, với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn có những biến động, kỳ vọng việc giảm lãi suất tín dụng trong năm 2018 là rất khó khăn.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du Lịch: Lãi suất năm 2018 có thể điều chỉnh giảm chút ít, song đây là một việc rất khó. Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là nên cơ cấu lại tài chính của mình để giảm tỷ lệ đi vay. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý ổn định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. |