![]() |
Áp dụng hóa học xanh giúp giảm ô nhiễm môi trường |
Ô nhiễm các chất hóa học do chiến tranh để lại, cùng với quá trình hoạt động sản xuất, một số hoá chất độc hại cũng như các sản phẩm có chứa hoá chất có nguy cơ tác động tới sức khoẻ con người, môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam. Để khắc phục, Chính phủ đã và đang rất quan tâm đến phát triển hiệu quả, an toàn, thân thiện môi trường đối với các ngành sản xuất có sử dụng hóa chất. Theo đó, ngoài việc đầu tư từ ngân sách, Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong lĩnh vực này.
Giai đoạn từ năm 2015-2018, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với Cục Hóa chất - Bộ Công Thương triển khai trên toàn quốc Dự án Quản lý an toàn POPs và hóa chất nguy hại do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ ủy thác thông qua UNDP nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu các rủi ro về môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải POPs và hóa chất nguy hại. Theo đó, đã rà soát các chồng chéo, mâu thuẫn tại các văn bản liên quan tới quản lý POPs và hóa chất độc hại (Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật) để bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý vấn đề này hiệu quả hơn. Trong năm 2017, dự án này cũng đã hoàn thành việc kiểm kê lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật nguyên chất và đất nhiễm có nồng độ trên 50ppm tại xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa - tỉnh Quảng Bình); đã thu gom, đóng gói được 48 tấn thuốc và đất nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó 35 tấn đã được chuyển về xử lý tại nhà máy Thành Công tỉnh Hải Dương.…
Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ xử lý POPs và hóa chất nguy hại, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng xanh tại Việt Nam, mới đây, UNDP và Cục Hóa chất tiếp tục khởi động dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam” nhằm giảm thiểu sử dụng và phát thải những hóa chất không nằm trong danh mục kiểm soát của các thỏa thuận môi trường đa phương.
Ông Đào Xuân Lai - Trưởng phòng Môi trường và biến đổi khí hậu của UNDP - cho biết: "Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong về các vấn đề liên quan đến POPs, có nhiều kinh nghiệm về xử lý POPs tồn dư từ thời chiến tranh để lại. UNDP và GEF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án, đồng thời, kỳ vọng Việt Nam không chỉ đi tiên phong mà còn đưa ra các bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này".
Dự án được thực hiện trong vòng 3 năm, tập trung vào việc tiếp tục giúp giảm thiểu sử dụng POPs, giảm phát thải không chủ định POPs thông qua hoạt động giới thiệu về các cách tiếp cận hóa học xanh trong 6 ngành công nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Mạ crôm; sản xuất giấy và bột giấy; sản xuất nhựa; dệt; hóa chất bảo vệ thực vật; dung môi - sơn. Những hướng dẫn cụ thể cho từng ngành sẽ được xây dựng, lồng ghép cách tiếp cận hóa học xanh vào các văn bản pháp luật có liên quan.
Việc triển khai dự án sẽ góp phần giúp kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu và ứng dụng hóa học trong các ngành sản xuất trên cơ sở giảm thiểu sử dụng, phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và Công ước Minamata về thủy ngân, nhằm ngăn chặt ô nhiễm thủy ngân gây tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường, dựa trên 12 nguyên tắc của hóa học xanh, bao gồm: Ngăn ngừa chất thải; tối đa hóa tiết kiệm nguyên tử; phát triển các quá trình tổng hợp hóa học ít độc hại hơn; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; sử dụng các dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh; tránh làm phát sinh phụ phẩm; sử dụng chất xúc tác để tăng hiệu suất phản ứng; phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian thực tế để ngăn ngừa ô nhiễm; giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn.
Dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam” được triển khai nhằm tạo môi trường pháp lý, nâng cao nhận thức và thử nghiệm thực tế, giúp giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy. |