![]() |
Việc cắt giảm, sắp xếp lại các chi cục thuế nhằm mục đích tạo thuận lợi cho người nộp thuế |
Giảm 173 chi cục trong năm 2018
Ngay trong năm 2018, ngành thuế sẽ phải thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thuộc 63 cục thuế trên cơ sở tổ chức thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục); năm 2019, tiếp tục thực hiện sắp xếp lại 53 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành 25 chi cục thuế khu vực (giảm thêm 28 chi cục); năm 2020 thực hiện sắp xếp lại 168 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành 78 chi cục thuế khu vực (giảm thêm 90 chi cục).
Ông Vi Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính - cho biết: Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy ngành thuế triển khai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đảm bảo tinh gọn, ổn định, không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, đảm bảo vẫn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngay khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án Sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế, ban hành kế hoạch chi tiết, thành lập ban chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế từ trung ương đến địa phương. Tổng cục Thuế đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài chính khảo sát tại các cục thuế tại các vùng, miền trên cả nước để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, cũng như những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập.
Nguyên tắc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế trên cơ sở đảm bảo sau khi chi cục thuế khu vực được thành lập sẽ hoạt động tốt, hiệu quả hơn, sắp xếp lại nguồn nhân lực, tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tổng cục Thuế đã giao cho cơ quan thuế các địa phương nghiên cứu, đề xuất các phương án sắp xếp, sáp nhập có tính đến yếu tố địa lý, văn hóa, lịch sử và các điều kiện có liên quan khác, trên cơ sở đó không chỉ đơn thuần ghép 2 chi cục thuế lại với nhau mà có thể ghép 3 - 4 chi cục thuế quận, huyện, thị xã… thành chi cục thuế khu vực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý.
Không ảnh hưởng đến người nộp thuế
Nhiều ý kiến lo ngại, việc cắt giảm, sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến giao dịch giữa cơ quan thuế và người nộp thuế?! Liên quan đến vấn đề này, ông Vi Thanh Sơn cho biết: Quan hệ giữa cơ quan thuế với người nộp thuế sẽ tiếp tục được duy trì theo tinh thần không làm tăng thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại,... Chi cục thuế khu vực sẽ duy trì bộ phận tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế tại các trụ sở cũ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai, nộp thuế điện tử, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Khi công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu điện tử hóa thủ tục hành chính, lúc đó sẽ sắp xếp lại các trụ sở làm việc theo hướng thu gọn đầu mối để tiết kiệm kinh phí, đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường, chất lượng phục vụ người nộp thuế được nâng cao.
Khi sáp nhập, công tác bố trí cán bộ lãnh đạo các chi cục thuế khu vực thành lập mới dựa trên các tiêu chí rõ ràng. Dừng bổ nhiệm mới công chức lãnh đạo cấp chi cục hoặc tương đương thuộc các cục thuế và cấp đội thuộc chi cục thuế trên toàn quốc để ưu tiên cho việc sắp sếp công chức, lãnh đạo thuộc chi cục thuế khi sáp nhập. Cấp trưởng chi cục thuế khi sáp nhập sẽ được ưu tiên bố trí các chức danh tương đương trong đơn vị mới. Trong tường hợp không thể bố trí các chức danh tương đương tại đơn vị mới, sẽ bố trí làm cấp phó tại các bộ phận phù hợp và được ưu tiên xem xét bổ nhiệm cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu.
Các chi cục phó và đội phó thuộc chi cục thuế thực hiện sau sáp nhập số lượng có thể sẽ cao hơn quy định do yếu tố lịch sử, do vậy, về lâu dài sẽ tiến hành điều chuyển, sắp xếp lại đảm bảo số lượng cấp phó theo quy định tại chi cục thuế khu vực. Trường hợp điều chuyển công chức lãnh đạo giữ chức vụ thấp hơn tại đơn vị mới so với khi chưa sáp nhập thì sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ, xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp cán bộ, công chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.
Đối với bộ máy nhân lực thừa hành nhiệm vụ tại các đội phục vụ nội ngành như hành chính, quản trị, tài vụ,… cơ bản vẫn giữ nguyên biên chế. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, ngành thuế sẽ có các giải pháp tinh giản biên chế dần theo hướng cử đi đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường cho những bộ phận chuyên môn nghiệp vụ. Những công chức thuộc diện dôi dư không sắp xếp được việc làm, ngành thuế sẽ có phương án tinh giản phù hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Để việc cắt giảm, sắp xếp các chi cục thuế diễn ra thuận lợi, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị yêu cầu ngành thuế triển khai kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực trực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. |