Ngành điều Bình Phước chú trọng chế biến sâu

16:00 | 06/06/2018 In bài biết
(VEN) - Hạt điều Bình Phước vừa nhận được Giấy Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Đây được coi là “giấy thông hành” giúp loại nông sản này tiếp cận thêm các thị trường mới. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Lê Quang Luyến – Ủy viên BCH Hiệp hội Điều Việt Nam – về vấn đề này.
nganh dieu binh phuoc chu trong che bien sau
Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu điều trên 3,5 tỷ USD năm 2017

Gắn bó cả đời với hạt điều, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển ngành điều Bình Phước hiện nay?

Những năm qua, Bình Phước luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng sản xuất, lực lượng lao động và các cơ sở nhà máy chế biến hạt điều nhân cũng nhiều nhất nước. Bên cạnh đó, chất lượng của hạt điều Bình Phước cũng được đánh giá cao hơn sản phẩm điều được sản xuất ở các địa phương khác.

Với ưu thế trên, tỉnh Bình Phước vừa đón nhận Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý điều Bình Phước do Cục Sỡ Hữu Trí Tuệ trao. Kết quả này mang lại cho chúng tôi sự hãnh diện nhưng cũng đầy thách thức trong thời gian tới, nhằm bảo vệ và duy trì ý nghĩa thực tế của chỉ dẫn địa lý này. Từ những cơ sở nêu trên, tôi nghĩ rằng tỉnh Bình Phước đang phát triển ngành điều đúng hướng và chắc chắn rằng ngành điều của tỉnh Bình Phước sẽ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) điều của Việt Nam đạt hơn 3,5 tỷ USD, song lợi nhuận thấp bởi chủ yếu là xuất khẩu nhân điều sơ chế. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Giá trị kim ngạch XK điều của Việt Nam năm ngoái đạt trên 3,620 tỷ USD, đây đúng là con số không hề nhỏ. Nó khẳng định ngành điều ngày càng đóng vao trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên đúng như bạn nói, lợi nhuận mang lại cho ngành còn khá thấp vì hầu hết đang XK nhân điều sơ chế. Lượng XK nhân điều chế biến sâu còn rất hạn chế vì vậy lợi nhuận mang lại cho ngành thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng.

Để tăng giá trị XK, thời gian tới, ngành điều cần phát triển công nghệ, đồng thời mở rộng thị trường, thực hiện tốt hơn nữa công đoạn cuối cùng là chế biến sâu trước khi đưa đến tay người tiêu dùng thông qua các siêu thị trong và ngoài nước.

Điều này đòi hỏi chúng ta phải có lộ trình thực hiện đi kèm với ý thức trách nhiệm của những nhà chế biến nghiêm túc, sáng tạo và mạnh dạn đưa công nghệ vào chế biến, nhằm đưa ngành điều tham gia vào chuỗi giá trị. Nếu được vậy chắc chắn rằng kim ngạch XK điều không dừng lại ở hơn 3,5 tỷ USD mà sẽ tăng vọt với lợi nhuận cao và bền vững trong thời gian tới.

Bình Phước được xem là thủ phủ của ngành điều nhưng vẫn phải nhập khẩu (NK) 70% nguyên liệu. Việc này liệu có đáng lo ngại, thưa ông?

Đây là một thực tế khách quan đã, đang và sẽ làm cho bất cứ ai quan tâm và tham gia ngành điều đều quan ngại về hiệu quả và tính bền vững của ngành điều Bình Phước. Về nguyên nhân, chúng ta không còn dư địa để trồng mới cây điều, đặc biệt cây điều chỉ có thể trồng mới ở những vùng có thổ nhưỡng và khí hậu như vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Trung bộ. Trong khi đó, các địa phương này không còn nhiều diện tích đất để trồng điều, tỉnh Bình Phước cũng vậy.

Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến điều phát triển quá nhanh và quá nhiều tại Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó, tạo ra sự khan hiếm nguyên liệu phục vụ chế biến. Bởi lẽ, sản lượng trong nước nói chung và Bình phước nói riêng chỉ đáp ứng 30% cho các cơ sở chế biến. Từ đó phát sinh việc NK là điều tất nhiên.

Mặc dù vậy, tăng trưởng NK điều nguyên liệu cũng đem lại những thành quả nhất định như giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn công nhân, tạo ra nhiều sản phẩm điều và tất nhiên sẽ tạo ra kim ngạch XK lớn nhất thế giới của điều Việt Nam.

Vậy để phát triển bền vững, theo ông ngành điều Bình Phước cần có giải pháp căn cơ gì?

Cây điều ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, trong đó có Bình Phước. Không chỉ đóng vai trò xóa đói giảm nghèo, cây điều đã mang lại cho người trồng điều một đời sống tốt hơn. Nhiều năm qua, người trồng điều và các nhà chế biến đã tự lo sản xuất cũng như chế biến với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, song như vậy vẫn chưa đủ. Để phát triển ngành điều bền vững, sắp tới, tỉnh Bình Phước sẽ có một nghị quyết chuyên về ngành điều. Từ đó Tỉnh ủy sẽ ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho ngành này phát triển, trong đó không ngoại trừ cả chính sách đặc thù về cây điều.

Bên cạnh chính sách trên, để tăng thêm nguyên liệu phục vụ chế biến, tỉnh Bình Phước cũng tính đến việc cải tạo 184.000ha điều hiện hữu của địa phương, thực hiện các biện pháp kỹ thuật như cải tạo, cấy ghép các giống điều cho năng suất cao vào cây trồng hiện hữu để tăng năng xuất vườn điều hàng năm. Vì trên thực tế, tại Bình Phước, lượng điều già cỗi cũng đã nhiều, việc tái canh dần dần để tạo nên những vườn cây mới có hiệu quả cao hơn là việc làm cần thiết nhằm tăng sản lượng điều.

Xin cảm ơn ông!

Tỉnh Bình Phước kỳ vọng, nghị quyết về ngành điều sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng điều, cho những nhà chế biến, nhà khoa học, ngân hàng, nhà XK, nhà môi giới, phân phối và người tiêu dùng.

Nguyễn Phượng (thực hiện)

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/nganh-dieu-binh-phuoc-chu-trong-che-bien-sau-197488.html