![]() |
Quản lý tốt thuốc BVTV giúp tăng giá trị cho nông sản |
Lạm dụng thuốc BVTV – Con dao 2 lưỡi
Tại hội nghị "Định hướng về công tác BVTV trong tình hình mới" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV - cho biết: Những năm qua, công tác quản lý thuốc BVTV đã được siết chặt, 1.024 tên thương phẩm có độc tính cao, tồn dư trên nông sản đã được loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV. Dù vậy, số lượng thuốc BVTV trong danh mục đang mất cân đối khi chủ yếu là các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Số lượng nhà máy sản xuất (735 nhà máy) cũng như sản phẩm phân bón (gần 20.000 sản phẩm) đang rất lớn và mất cân đối, chủ yếu là phân bón vô cơ. Hiện tại, khoảng hơn 200 chỉ tiêu chất lượng bao gồm cả vi sinh và hóa lý đã được công bố trong các sản phẩm phân bón nhưng không có phương pháp thử được phê duyệt trong nước.
Đặc biệt, trước xu thế và nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác quản lý vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục BVTV đang gặp rất nhiều thách thức. Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn diễn ra phổ biến và đang ở mức báo động, khó kiểm soát. Điều này đã dẫn đến các nguy cơ về mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Theo PGS, TS. Phạm Thị Vượng - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật BVTV Việt Nam - việc lạm dụng thuốc BVTV giống như là dùng con dao hai lưỡi, không chỉ làm tăng giá đầu tư, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người nông dân mà còn tạo ra các sản phẩm không an toàn. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp sạch có lợi thế là người tiêu dùng (NTD) sẵn sàng trả giá cao để bảo đảm mua được các sản phẩm nông sản an toàn, bởi thế việc giữ thói quen sản xuất không an toàn sẽ khiến cho người nông dân bị thua thiệt trên chính sân nhà.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp chuyển mạnh từ tự sản tự tiêu sang sản xuất hàng hóa cấp độ cao, tham gia chuỗi thực phẩm toàn cầu thì một trong những nỗi lo là tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất, đòi hỏi công tác kiểm soát thuốc BVTV phải có những hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi
Để khắc phục tình trạng trên, ông Hoàng Trung cho rằng, việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hóa, thị trường hóa sản xuất nông nghiệp, đây cũng là cách để quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón cho sản phẩm nội tiêu, cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Liên kết sản xuất còn là yếu tố quan trọng để tổ chức thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời là tiền đề quan trọng để áp dụng các công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất… Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Kiên quyết hoàn thiện đủ các căn cứ khoa học để loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục thuốc BVTV.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trước thách thức về biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ rủi ro dịch bệnh, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành BVTV phải tiếp tục tái cơ cấu, thay đổi trước tình hình mới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, trước hết phải giảm về cơ học, đặc biệt phải có lộ trình ngay với nhóm thuốc trừ cỏ, nhóm có độc tố cao không phù hợp nhiều với vùng sinh thái; nhóm thuốc quá nhiều trên một đối tượng cây trồng.
“Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 100 nghìn tấn thuốc hóa học, vừa qua đã giảm được hơn 1.000 đầu sản phẩm thuốc BVTV nhưng con số này cần phải giảm tiếp. Theo đó, phải giảm các nhóm thuốc “gốc độc”, tiếp tục rà soát giảm nhanh thuốc trừ cỏ vì thuốc này đang chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu 100 nghìn tấn sử dụng hàng năm. Đây là loại thuốc hóa học gây độc hại không chỉ cho sản phẩm nông nghiệp mà còn cho môi trường”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát chặt thuốc BVTV nhập lậu qua biên giới, chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV. Cùng với đó, minh bạch và quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương.
Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con vào sản xuất chuỗi để tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối và người nông dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc BVTV sinh học để thay thế dần nhóm thuốc hóa học….
Ngành nông nghiệp phấn đấu, đến năm 2021, loại bỏ 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, đồng thời tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng. |