![]() |
Đa số vụ xâm hại SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính |
“Bệnh” nặng nhờn thuốc
Câu chuyện nhiều nỗi niềm mà Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PVGAS NORTH) – ông Trần Trọng Hữu chia sẻ tại hội thảo đã bộc lộ một góc gian nan của cuộc đấu tranh chống hàng giả hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện tại. Đó là hành vi vi phạm về quyền sở hữu chai LPG như thu gom chiếm giữ các bình gas của nhau, chiếm đoạt chai LPG để hoán cải, cắt tai, mài vỏ bình gas của chủ sở hữu, sang chiết gas trái phép vào chai LPG của chủ sở hữu. Các hành vi này gây náo loạn thị trường kinh doanh LPG, làm thiệt hại về uy tín, về tài chính của chủ sở hữu, nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, nhà nước thất thu thuế,…
Ông Trần Trọng Hữu cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước nên phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Gas Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh khí rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan điều chỉnh kịp thời những quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn công tác chống gian lận thương mại và hàng giả; xác định rõ những căn cứ pháp luật để quy định rõ chủ sở hữu chai LPG; cần xây dựng thông tư quy định rõ hành vi, mức độ vi phạm,…
Đặc biệt đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas thì phải chuyển qua xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự; cần phải tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng gas an toàn cho người tiêu dùng (NTD) và tuyên truyền nâng cao văn hóa kinh doanh của các thương nhân kinh doanh gas không thể chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên sự an toàn của NTD, an ninh trật tự của xã hội dẫn đến cháy nổ.
Điều mà vị giám đốc này đề xuất là truy cứu hình sự với hành vi nguy hại trong kinh doanh gas cũng chính là một trong những điểm yếu nhất trong xử lý mang tính răn đe hiện nay trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền SHTT. Số vụ hàng giả xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính thời gian qua chiếm đến 98,37%, trong khi số vụ xử lý bằng tư pháp, kiểm soát biên giới chỉ là 1,67%.
Hệ thống thực thi quyền SHTT của Việt Nam đưa ra 3 biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT gồm dân sự, hành chính và hình sự. Sở dĩ biện pháp hành chính được “chuộng” là bởi nó ít tốn kém và nhanh gọn trong khi biện pháp dân sự ít được lựa chọn bởi thủ tục rất phức tạp, lại tốn kém hơn hành chính và kết quả không chắc chắn và thời gian kéo dài. Biện pháp hình sự tuy mang tính răn đe cao thế nhưng lại hầu như vắng bóng do việc chứng minh lỗi cố ý là hết sức khó khăn. Các văn bản pháp luật hiện chỉ truy cứu được trách nhiệm hình sự đối với hàng giả mạo về nhãn hiệu trong khi xâm phạm sáng chế hiện khá phổ biến và mức độ xâm phạm rất nghiêm trọng.
Trong khi đó, điểm yếu của giải pháp xử lý hành chính lại bộc lộ rất rõ khi mức phạt tối đa chỉ có thể đến 500 triệu đồng, nếu so với lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đem lại thì con số trên thấp hơn rất nhiều.
![]() |
Mạnh tay hơn với hàng hóa vi phạm SHTT |
Đồng bộ giải pháp chống vi phạm SHTT
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng từ tư duy đến hành động trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam hiện còn có một khoảng cách. Trong khi các nội dung về SHTT là nội dung có thể xem như quan trọng nhất và tốn công sức đàm phán nhất liên quan đến các thỏa ước thương mại tự do song phương và đa phương.
Đại diện Cục SHBộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất một số giải pháp được xem là mạnh tay, nhằm ngăn chặn việc xâm phạm về SHTT. Theo đó, cần phổ biến tuyên truyền cho người dân, các DN, hộ kinh doanh sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Công tác giáo dục, phổ biến tuyên truyền pháp luật được thực hiện tốt sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân và cán bộ, công chức nhà nước. Thường xuyên hướng dẫn NTD nhận biết và phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả thông qua đài, báo,… các buổi triển lãm hàng thật, hàng giả. Vận động, triển khai việc ký cam kết không kinh doanh, tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm về SHTT;
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh và tinh nhuệ; tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn cán bộ theo hướng nâng cao trình độ và năng lực công tác. Tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng vi phạm SHTT cho cán bộ thực thi.
Các giải pháp khác được kể đến bao gồm phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với DN, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp. Tăng cường kiểm soát và kiểm tra các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên liệu có vi phạm, vì đây là nguồn cung cấp bán sản phẩm làm hàng giả. Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thực thi quyền SHTT của những nước phát triển.