Tìm giải pháp để tăng trưởng bền vững

15:00 | 21/06/2018 In bài biết
(VEN) - Mặc dù đạt được kết quả tích cực trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 song nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều vấn đề nội tại, đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.
tim giai phap de tang truong ben vung
Một loạt giải pháp đã được đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Những con số ấn tượng

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục đạt được chuyển biến tích cực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ, cụ thể, nông nghiệp, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CN CBCT) tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%.

Xuất khẩu (XK) tiếp tục đà tăng mạnh. Tổng kim ngạch XK 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Kim ngạch nhập khẩu (NK) tăng 10,1%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, XK. Nền kinh tế xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐK ĐTKD) trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp,... Cơ cấu lại các ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng CN CBCT chiếm khoảng 52% (cuối năm 2017 khoảng 51%). Trong 4 tháng đầu năm, có trên 41 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới và trên 11 nghìn DN hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung vào nền kinh tế đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng.

Thách thức vẫn lớn

Mặc dù tốc độ tăng trưởng quý I/2018 khá cao, song báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra, động lực tăng trưởng dựa vào một số yếu tố như trong năm 2017 sẽ khó lặp lại. Việc một số nước lớn quay lại áp dụng các chính sách bảo hộ và các biện pháp cực đoan khó lường, áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, việc các nước NK áp dụng tiêu chuẩn cao về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm,… có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.

Bên cạnh đó, CN CBCT có xu hướng tăng chậm lại, ngành khai khoáng gặp khó khăn. Công tác dự báo thị trường còn hạn chế; nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với hàng NK, cả về giá cả và chất lượng. Tình trạng rau, củ, quả, mía đường,… dư thừa xảy ra tại một số địa phương. Hàng XK ngày càng đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ kỹ thuật của nước ngoài. Quy mô kinh doanh dịch vụ còn nhỏ, phân tán. Quy mô DN chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp. Trình độ ứng dụng công nghệ, quản trị điều hành còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thấp. Sản xuất kinh doanh (SXKD) trong một số lĩnh vực còn khó khăn. Cải cách TTHC ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những thách thức trên, công tác xây dựng pháp luật còn những hạn chế, bất cập. Việc xây dựng, trình một số dự án luật còn chậm. Công tác triển khai thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia triển khai còn chậm; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao, ảnh hưởng không tốt đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung nhiệm vụ trọng tâm

Nhằm phát huy lợi thế, khắc phục những tồn tại, trên cơ sở dự báo, nhận diện, phân tích tình hình kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.

Về định hướng chỉ đạo điều hành, với tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, chủ động theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Đồng thời, chú trọng giải quyết các vấn đề mới phát sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải thiện môi trường ĐTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, tạo đà cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Cụ thể, để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%.

Tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu thu ngân sách nhà nước vượt 3% dự toán. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường huy động vốn xã hội,…

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy XK; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đơn giản hóa TTHC, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế; tăng cường quản lý, kiểm soát nhập khẩu; cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại với các đối tác, thị trường nhập siêu cao; phấn đấu cân bằng XNK bền vững.

Phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả. Có giải pháp phù hợp không để tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ. Đẩy mạnh kết nối giữa DN, nhà phân phối và nông dân. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu.

Năm 2018 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Phát huy kết quả đạt được, Chính phủ mong muốn cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN cùng đồng hành, phấn đấu tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới cho nền kinh tế vững bước đi lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Đình Dũng

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/tim-giai-phap-de-tang-truong-ben-vung-197230.html