![]() |
XK thịt lợn sang Myanmar mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi trong nước |
Mới đây, Việt Nam đã chính thức XK thịt lợn sang thị trường Myanmar, ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu hiệu quả ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Việt Nam đã XK sản phẩm nông nghiệp trên khắp thế giới, đạt tăng trưởng cao. Cụ thể, Việt Nam đã XK mật ong, thịt gà, lợn sữa và các sản phẩm trứng. Trong chăn nuôi, lợn là ngành chiếm thị phần 60% giá trị toàn ngành chăn nuôi, sau đó đến gia cầm, bò và sản phẩm khác. Tuy nhiên, vấn đề đối với ngành chăn nuôi là làm sao để chăn nuôi phát triển, không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) mà còn hướng đến XK bằng con đường chính ngạch trong bối cảnh năng lực sản xuất chăn nuôi đã vượt quá nhu cầu trong nước.
Tín hiệu tích cực khi tháng 5/2018, vượt qua nhiều rào cản về thương mại và kiểm dịch thú y, cùng với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, lần đầu tiên thịt lợn tươi của Việt Nam XK chính ngạch sang thị trường Myanmar với phương thức chế biến đông lạnh. Theo hợp đồng ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Việt Nam, mỗi tháng Tập đoàn Mavin sẽ XK 1 container 40 feed, tương đương 26 tấn thịt lợn sang thị trường của Myanmar. Đây là lô thịt lợn sạch, an toàn vệ sinh và có thể truy xuất được nguồn gốc. Giá thịt lợn tươi đông lạnh XK ước tính cao hơn 15% so với giá trong nước.
Như vậy, bên cạnh việc XK lợn sữa sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, việc XK thịt tươi sang thị trường Myanmar khẳng định nỗ lực của ngành chăn nuôi cũng như doanh nghiệp (DN), cụ thể là Tập đoàn Mavin trong tham gia chuỗi giá trị chăn nuôi. Đây cũng là khởi đầu mới, mở ra cơ hội quan trọng để ngành chăn nuôi hướng đến những thị trường XK có giá trị cao, với những sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khác.
Thời gian tới, để mở rộng hơn nữa thị trường XK, ngành chăn nuôi đã đưa ra định hướng như thế nào, thưa ông?
Muốn XK thịt lợn tươi sang các thị trường nước ngoài cần đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường và cần có chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đây là một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích các tập đoàn lớn, các DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Cùng với việc tái cơ cấu, ngành chăn nuôi Việt Nam tiến hành tổ chức sản xuất theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đáp ứng được các điều kiện về ATTP và các điều kiện về kiểm dịch, đây là điều cốt lõi để cho sản phẩm chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng có thể XK được.
Đối với những người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tập hợp lại để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn họ để kết nối với các DN, các tập đoàn lớn để đáp ứng được các yêu cầu về ATTP và kiểm dịch thực vật có truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, thông qua dự án Lifsap do Ngân hàng Thế giới đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, Việt Nam cũng đã hình thành các chuỗi như vậy và tập trung chủ yếu vào các nông hộ. Như vậy, ngành chăn nuôi đi bằng hai chân và có các cơ chế chính sách khuyến khích các tập đoàn lớn kể cả nước ngoài và trong nước đầu tư vào chăn nuôi, từ đó sẽ hình thành các chuỗi, các tập đoàn rất lớn như Masan, Phú Gia (Thanh Hóa), Mavin, CP…
Mỗi một quốc gia sẽ có một sản phẩm thế mạnh trong ngành chăn nuôi, với Việt Nam thì thế nào thưa ông?
Việt Nam trước hết xác định con lợn vẫn là một lợi thế. Tiếp đến là gia cầm, đặc biệt là thủy cầm, đây là thế mạnh của chúng ta. Hiện, trứng vịt của Việt Nam XK ngon nhất Đông Nam Á và thế giới. Các nước rất thích trứng vịt của Việt Nam và các sản phẩm thủy cầm khác.
Đối với các sản phẩm gia cầm, hiện nay có gà công nghiệp do các tập đoàn lớn như CP đầu tư vào, nhưng điều quan trọng hiện nay chúng ta đang khuyến khích phát triển gà lông màu và các giống bản địa khác theo hướng sản xuất hữu cơ, đảm bảo ATTP như gà đồi Yên Thế, các vật nuôi khác… có giá trị kinh tế cao. Việt Nam mỗi năm thu hút trên 30 triệu khách du lịch, cùng gần 100 triệu dân trong nước, đây là thị trường rất lớn cho nông sản phát triển.
Sau việc công bố XK chính ngạch thịt lợn sang Myanmar, kế hoạch mở rộng thị trường XK cho thịt lợn thời gian tới sẽ được hướng tới như thế nào, thưa ông?
Trước hết, sẽ tập trung vào việc nhà nước đồng hành hỗ trợ các DN lớn, các tập đoàn lớn để họ tìm kiếm thị trường. Đồng thời, trên cơ sở yêu cầu của các tập đoàn để xây dựng các vùng nguyên liệu. DN Mavin là 1 ví dụ, tới đây thông qua đề xuất của các DN, Bộ sẽ thành lập 1 tổ công tác do Cục trưởng Cục Thú y làm tổ trưởng và các đơn vị liên quan để gắn bó và hỗ trợ các DN xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, hợp tác với Chi cục Thú y của các nước nhập khẩu để có thể thống nhất được các tiêu chuẩn, thúc đẩy việc XK.
Tới đây, OIE sẽ cử chuyên gia sang giúp hỗ trợ các DN xây dựng các vùng cơ sở an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, sẽ xem xét cấp các chứng chỉ của OIE chứng nhận các vùng cơ sở an toàn dịch bệnh cũng như toàn bộ chuỗi, đây là cơ sở để chúng ta có thể mở rộng XK. Thứ hai, chúng ta sẽ phối hợp cùng OIE để khống chế, kiểm soát dịch hại trên vật nuôi, trong đó có cúm gia cầm, tai xanh, đặc biệt là lở mồm long móng.
Xin cảm ơn ông!
Bộ NN&PTNT mong muốn có thêm nhiều DN như Tập đoàn Mavin tham gia chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi, qua đó giúp nâng tầm thương hiệu của ngành chăn nuôi Việt Nam và cải thiện thu nhập cho nông dân. |