![]() |
Đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 80 sản phẩm công nghiệp chủ lực |
Phát triển nền công nghiệp theo hướng bền vững
Đó là mục tiêu mà Thành phố (TP) Hà Nội đặt ra trong Đề án Phát triển sản phẩm CNCL TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được thành phố phê duyệt. Thực tế, đến nay thành phố đã có 59 sản phẩm CNCL của 49 doanh nghiệp (DN) theo các nhóm sản phẩm: Cơ khí, điện - điện tử, hóa - nhựa, dệt may - da giày, chế biến lương thực, thực phẩm… Các DN sản xuất sản phẩm CNCL đã được thành phố hỗ trợ về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển thị trường, bảo hộ nhãn hiệu. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu của các DN có sản phẩm CNCL từ 10-11%, kim ngạch xuất khẩu (XK) của các DN có sản phẩm CNCL chiếm tỷ trọng từ 9 – 10% tổng kim ngạch XK trên địa bàn thành phố; nhiều DN đạt mức doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.
DN sản phẩm CNCL đã chủ động đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong các lĩnh vực công nghệ cao vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường XK. Các tiến bộ mới về khoa học công nghệ (KHCN) được áp dụng và nhân rộng trong sản xuất như điều khiển kỹ thuật số CNC, tự động hóa, robots, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học...
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Thủ đô, Chương trình Phát triển sản phẩm CNCL của TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 đang nỗ lực tìm ra những sản phẩm có khả năng phát triển bền vững trong điều kiện kinh tế toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng; chú trọng đến sản phẩm và DN dân doanh, DN FDI. Chương trình không chỉ lựa chọn, công nhận các sản phẩm, DN CNCL đã lớn mạnh mà còn phải tìm kiếm, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho sản phẩm của các cơ sở, đơn vị tư nhân. Cần có sự chủ động của DN và sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước trong việc đổi mới công nghệ, tăng hàm lượng chất xám.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang thực hiện những giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo cân đối vĩ mô, khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả.
Doanh nghiệp chuyển mình
Chương trình Phát triển sản phẩm CNCL được UBND TP. Hà Nội triển khai xây dựng từ năm 2005, tính đến hết năm 2015 đã có 59 sản phẩm của 46 DN được UBND TP cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNCL thành phổ Hà Nội. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 03/5/2018 của UBND TP về triển khai Đề án Phát triển sản phẩm CNCL TP. Hà Nội năm 2018, Sở Công Thương đã tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động DN đăng ký tham gia đánh giá, xét chọn, sản phẩm CNCL Hà Nội. Đến nay đã có 45 DN với khoảng 72 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm CNCL Hà Nội với tổng doanh thu các sản phẩm năm 2017 đạt 25.152 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với năm 2016 đạt 21,7%; trong đó kim ngạch XK đạt 2.595 tỷ đồng.
Nhiều DN sản xuất sản phẩm CNCL của TP. Hà Nội đã khẳng định uy tín cũng như chất lượng sản phẩm của mình. Cụ thể, với phương trâm đón đầu công nghệ, tiên phong trong công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất, Công ty Cổ phẩn Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) đã đầu tư nhà máy với quy mô khoảng 7.600m2 mặt sàn, áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại vào sản xuất. Năm 2018, VNPT Technology đã đăng ký tham gia đánh giá xét chọn sản phẩm CNCL TP. Hà Nội với nhón sản phẩm Modem quang GPON ONT gồm 3 thiết bị GPON ONT - iGATE GW040, GPON ONT- iGATE GW020 và GPON ONT- iGATE GW240.
Hay như Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà, năm 2018 có 5 sản phẩm tham gia Chương trình Đánh giá xét chọn sản phẩm CNCL TP. Hà Nội và đứng trong Top những DN có sản phẩm được đánh giá cao như ống inox Sơn Hà, bồn nước inox Sơn Hà , chậu rửa Sơn Hà…
Trong khi đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh với dòng sản phẩm gốm cao cấp, các sản phẩm của Quang Vinh với thiết kế hiện đại đan xen các đặc điểm truyền thống, mỏng, nhẹ và thân thiện với môi trường đã sớm thâm nhập vào các thị trường khó tính ngay từ những năm đầu thập kỷ 90. Công ty luôn chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới dây chuyền sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015, tiên phong trong việc bảo vệ môi trường. Do đó, các sản phẩm của Gốm sứ Quang Vinh luôn đảm bảo chất lượng cao, tạo được uy tín và niềm tin đối với người tiêu dùng.
Tham gia xét chọn sản phẩm CNCL Hà Nội còn có các DN trong Top 500 DN hàng đầu Việt Nam như Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty CP sứ Viglacera, Công ty CP phần mềm FPT, Công ty thiết bị công nghệ VNPT, Công ty CP cơ điện Trần phú… Đây là những DN dẫn đầu ngành công nghiệp Hà Nội với doanh thu lên tới nghìn tỷ đồng mỗi năm, tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững nên có năng suất và giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên để phát triển sản phẩm CNCL, bên cạnh cơ chế khuyến khích của nhà nước, các DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng tự chủ, chủ động hội nhập, áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Về phía các cơ quan quản lý của Hà Nội, cần kịp thời tháo gỡ và kiến nghị giải quyết các bất cập về chính sách, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh tự do, bình đẳng để DN phát triển…