Việt Nam vươn lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị

08:00 | 20/09/2018 In bài biết
Đó là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và Sáng tạo” vừa diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN.  
viet nam vuon len nac cao hon cua chuoi gia tri
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp tại hội nghị

Nhất quán tự do hóa thương mại

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhận định: Thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, nguy cơ làm xói mòn niềm tin vào xu thế tự do hóa, đe dọa các thể chế thương mại đa phương lẫn song phương... Tuy nhiên, với niềm tin, sự lạc quan về xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, Việt Nam luôn nhất quán đề cao những lợi ích của thương mại tự do và nhận thức rõ các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa.

Năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,81%, riêng sáu tháng đầu năm 2018 tăng trưởng đạt 7,08%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua ở Việt Nam, kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đối với Việt Nam ở vị trí 55/137 quốc gia, xếp hạng môi trường kinh doanh (DB/WB) thứ 68/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Tổ chức sở hữu trí tuệ LHQ (WIPO) đứng thứ 45/127 nước.

Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP.

Khẳng định Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng xét về độ sâu, Thủ tướng thừa nhận vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo các thống kê, hiện mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng của Việt Nam.

"Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật. Việt Nam phải đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài", Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy quốc lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

viet nam vuon len nac cao hon cua chuoi gia tri
Hơn 1.200 doanh nghiệp tham dự hội nghị

Những cơ hội mới

Theo báo cáo của Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu (GEN) vừa công bố vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, bên cạnh những lợi thế truyền thống như vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, quy mô thị trường rộng lớn, Việt Nam cũng có những lợi thế mới trong nền kinh tế số. Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thu hút khoảng 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp đã có cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và Chính phủ đến từ khu vực ASEAN và quốc tế, qua đó có được cái nhìn sâu sắc hơn về nền kinh tế Việt Nam cũng như khám phá các cơ hội kinh doanh mới trong các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư.

Tại hội nghị, ngoài những định hướng về tầm nhìn, chương trình cải cách và triển vọng phát triển của Việt Nam gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới, các vị bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh doanh hàng đầu cũng đã giới thiệu cụ thể các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Đặc biệt, các dự án đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số trong nền kinh tế, để góp phần thực hiện ý tưởng về kết nối số với ASEAN và thế giới.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là những lĩnh vực được dự báo là sẽ có sự phát triển bùng nổ trong một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam. Các cơ hội này càng lớn hơn, trong bối cảnh xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu có diễn biến phức tạp, chính sách hướng Nam mới ở các nền kinh tế Đông Bắc Á đang được gia tốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thân thiện, an toàn.

Nguyễn Hường - Nhật Quang

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/viet-nam-vuon-len-nac-cao-hon-cua-chuoi-gia-tri-195691.html