![]() |
Họa sỹ Nguyễn Quốc Huy bên triển lãm “Miền cổ tích” |
Ngay trong ngày khai mạc (chiều tối ngày 31/10), triển lãm đã thu hút đông đảo giới nghệ sỹ và công chúng yêu nghệ thuật sơn mài. Nhiều họa sỹ đã không giấu nổi sự trầm trồ thán phục bên những bức tranh “đồ sộ” cả về kích thước lẫn sự kỳ công, thể hiện kỹ thuật đã đến độ nhuần nhuyễn.
Với 29 tác phẩm sơn mài, chủ yếu là khổ lớn, có những bức lớn đến 120cm x 180cm, nhưng chứa đựng hàng ngàn chi tiết li ti được tác giả xử lý kỳ công và tận hiến. Nhiều bức, chỉ ngắm nhìn sự chuyển hóa lấp lánh của màu sắc từ vàng – xanh, đỏ- nâu, ghi- xám… đã khiến người xem ngỡ ngàng với sự biến hóa và biên độ biểu đạt cảm xúc của loại hình mỹ thuật truyền thống này.
Nguyễn Quốc Huy cho biết, những bức nhỏ hơn, khổ 120 x 90 nhiều khi anh phải làm trong một năm, còn những bức khổ lớn phải mất ba năm để hoàn thành. Có bức, màu bạc của vỏ trứng thành ánh sáng, màu xanh của nước sơn đã thắm lại, lên một thứ màu mà hiệu quả nghệ thuật của nó cũng khiến anh có phần lạ lẫm.
Nếu quan sát kỹ tranh của Nguyễn Quốc Huy có thể thấy những bức tranh không chỉ cầu kỳ về đường nét, sơn mài mà mềm mại tinh tế như lụa, biến hóa như một cuộc chơi đuổi bắt của màu, vừa hiện thực vừa lung linh huyền ảo. Với những bức vẽ nắng, vẽ sương, vẽ mây, núi, đền chùa, làng quê… người xem không chỉ cảm nhận được cảnh sắc mà có cả sự thay đổi thời gian của ngày, của mùa trên mỗi cảnh vật.
Vì thế khi xem tranh của anh, họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam phải thốt lên: “Được duyên, Nguyễn Quốc Huy đánh thức sự cô liêu, hoang dã của đại ngàn, nơi dặm thẳm đường xa. Một mình cất giọng xanh thượng ngàn, rồi về trung du và làng quê Việt bình yên của Đồng bằng châu thổ sông Hồng, thăng hoa trên đĩa màu riêng cho sơn mài Việt đương đại. Ta thấy cây kia, rễ kia, cành kia giăng móc quấn quýt muôn sợi tơ vô hình nơi bức họa. Nguyễn Quốc Huy thả trôi cảm xúc trong ánh sáng âm thầm mà rạng rỡ của vỏ trứng và muôn ngàn sắc tươi mới của lá và hoa...”
![]() |
Bức Miền cổ tích (120x180) |
Dù lần đầu tiên xem tranh của Nguyễn Quốc Huy nhưng bà Park hyejin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cũng không giấu nổi cảm xúc: “Đúng như tên gọi của triển lãm “Miền cổ tích”, khi ngắm nhìn những bức tranh sơn mài của Nguyễn Quốc Huy, tôi như lạc, phiêu vào một thế giới cổ tích mờ ảo với cảnh non nước hữu tình, làng quê, mái đình Việt Nam được tả thực một cách chi tiết nhất, sống động nhất. Vạn vật trong tranh Nguyễn Quốc Huy đều có hồn, có sự lôi cuốn đến kỳ lạ. Tôi luôn cảm thấy bình yên, thong thả dạo chơi trong từng bức tranh và đâu đó một miền cổ tích tựa như những câu chuyện mẹ kể cũng hiện ra sau những làn sương mù mờ dại, những khóm lá rung rinh…”.
Bà Park hyejin cho biết thêm, Việt Nam và Hàn Quốc là 2 quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa và lịch sử. Tại Hàn Quốc, Ottchil hay chính là sơn mài Hàn Quốc là một trong những chất liệu độc đáo, có lịch sử lâu đời gắn liền với mọi sinh hoạt đời sống của người dân Hàn Quốc xưa và nay được rất nhiều họa sỹ đương đại lựa chọn cho những sáng tác nghệ thuật của mình. Thông qua triển lãm này, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc hy vọng sẽ góp một phần công sức vào việc gìn giữ, quảng bá nghệ thuật sơn mài của Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội giao lưu giữa những người đam mê tranh sơn mài hai nước.
Họa sỹ Nguyễn Quốc Huy sinh năm 1971 tại Hà Nội là một trong những họa sỹ rất thành công trong việc đưa một làn gió mới vào sơn mài truyền thống bằng những kỹ thuật điêu luyện. |