Hà Tĩnh hút vốn đối ứng từ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn

08:10 | 07/12/2018 In bài biết
Với việc thực hiện tốt các chương trình, đề án, 1 đồng vốn hỗ trợ của khuyến công Hà Tĩnh đã thu hút tới 9,1 đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng, đồng thời ghi dấu đậm nét trong sự tăng trưởng của ngành công nghiệp nông thôn địa phương.
ha tinh hut von doi ung tu doanh nghiep cong nghiep nong thon
Kinh phí khuyến công được tập trung vào các ngành nghề thế mạnh của tỉnh

Chương trình hấp dẫn

Giai đoạn 2014-2018, tổng kinh phí hỗ trợ cho triển khai chương trình khuyến công của Hà Tĩnh là trên 15,5 tỷ đồng, bình quân đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, nguồn kinh phí này đã thu hút 141,6 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng.

Có thể thấy, khuyến công Hà Tĩnh có sức hút khá lớn với các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (DN CNNT) do các chương trình, đề án luôn được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu một cách khắt khe. Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) không chỉ theo dõi sát các cơ sở, mà còn tư vấn, hướng dẫn một cách cụ thể, hữu ích thông tin về thị trường, công nghệ sản xuất và sản phẩm cho các đối tượng thụ hưởng. Vì thế, các đề án được xây dựng có tính khả thi cao, đạt hiệu quả tốt.

Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất là nội dung thu hút sự quan tâm cũng như nguồn vốn của các cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, qua 5 năm, trung tâm đã thực hiện 8 đề án xây dựng mô hình trình diễn với kinh phí thực hiện trên 2,26 tỷ đồng. Các đề án này đã thu hút trên 108 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở thụ hưởng, tạo việc làm cho 250 lao động. Trung tâm cũng đã thực hiện 47 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, kinh phí thực hiện 6,8 tỷ đồng; thực hiện 5 đề án đánh giá sản xuất sạch hơn, kinh phí thực hiện 500 triệu đồng.

Ngoài ra, khuyến công Hà Tĩnh cũng thực hiện rất tốt các nội dung khác của chương trình khuyến công, như: Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho chủ các cơ sở sản xuất CNNT; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác sản phẩm; phát triển sản phẩm CNNT…

Theo đánh giá từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động khuyến công dần đi vào nền nếp, số lượng các đề án, kinh phí tăng theo hàng năm đã mang lại lợi ích thiết thực và khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN TTCN) trên địa bàn tỉnh. Hiện nguồn kinh phí khuyến công đang được tập trung hỗ trợ các dự án thuộc ngành nghề thế mạnh như chế biến nông-lâm-thủy sản và dự án thực hiện ở các địa bàn đang xây dựng nông thôn mới. Mức độ ảnh hưởng và lan tỏa của chương trình khuyến công cũng ngày một lớn, được các cơ sở CNNT biết tới và chủ động thụ hưởng.

ha tinh hut von doi ung tu doanh nghiep cong nghiep nong thon
Khuyến công Hà Tĩnh thu hút sự tham gia của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn

Huy động nguồn kinh phí

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho hay: Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chương trình khuyến công những năm gần đây đã cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn so với tổng chi phí đầu tư của DN, nên chưa tạo được sức hấp dẫn đủ mạnh, khuyến khích các đối tượng tham gia.

Cùng đó, theo quy định, máy móc xin hỗ trợ trong đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất phải là máy mới 100%, quy định này gây khó cho các cơ sở có quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế. Khi lập kế hoạch, yêu cầu phải có các thông số kỹ thuật chi tiết của máy móc, thiết bị dự kiến hỗ trợ. Tuy nhiên, từ khi đăng ký đến khi được hỗ trợ thời gian mất hơn 1 năm, đơn vị thụ hưởng có thể thay đổi, lựa chọn loại máy có thông số khác để đầu tư, nhưng rất khó khăn trong việc điều chỉnh đề án.

Tìm hướng gỡ khó về nguồn vốn, đồng thời tạo thêm nguồn lực cho triển khai công tác khuyến công, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng xây dựng những định hướng dài hơi cho vấn đề này.Tỉnh sẽ chủ động và tranh thủ nguồn vốn khuyến công quốc gia hàng năm, chương trình phát triển nhân lực cho DN nhỏ và vừa, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Bố trí lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh có liên quan và các nguồn vốn xã hội hóa tham gia chương trình khuyến công.

Thực hiện tốt mục tiêu đã được HĐND tỉnh phê duyệt về việc quy định một số chính sách phát triển công nghiệp, trong đó ưu tiên dành kinh phí thích đáng để hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và khuyến công nói riêng.

UBND các cấp, các sở, ngành liên quan lập hoặc bổ sung kế hoạch ở cấp ngành, lồng ghép với chương trình khuyến công, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra giám sát cơ sở để triển khai mạnh mẽ hoạt động khuyến công. Chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để cơ sở sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng sản xuất và vốn vay...

Trong 2 năm 2019-2020, Hà Tĩnh dự kiến bố trí 17,5 tỷ đồng cho công tác khuyến công, đồng thời đề xuất Chương trình Khuyến công Quốc gia hỗ trợ 8,6 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật 1 cụm công nghiệp.
Việt Nga

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/ha-tinh-hut-von-doi-ung-tu-doanh-nghiep-cong-nghiep-nong-thon-194270.html