Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chỉ ra rằng, ngành chế biến, chế tạo luôn giữ vai trò chủ lực trong sản xuất công nghiệp; đồng thời xếp hạng hiệu suất công nghiệp (CIP) của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, thu hẹp khoảng cách so với các nước ASEAN-4. Để đạt được thành tích trên, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
BỘ TRƯỞNG TRẦN TUẤN ANH:
Tính chung cả năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 10,2% so với năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%; quý IV tăng 9,4%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm từ 2012-2016. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,3% (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 9,6%; quý III tăng 13,1%; quý IV tăng 11,1%), mặc dù thấp hơn mức tăng 14,7% của năm 2017, nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2012-2016, đóng góp 9,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
|
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua Bộ Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018, với mục tiêu tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa các chi phí khởi nghiệp, tạo điều kiện để giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
- Triển khai tích cực Đề án Cơ cấu lại các ngành công nghiệp. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
- Phát triển thị trường trong nước, ổn định cung-cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; thắt chặt công tác quản lý thị trường, xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất và người tiêu dùng.
- Tập trung phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao, hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại DNNN.
- Chú trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội.
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, chú trọng hiệu quả phát triển, hướng tới phát triển kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện phát triển bền vững.
- Đối với các dự án lớn (như Formosa), Bộ Công Thương đã có các bước giải pháp đẩy nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến quá trình đầu tư của chủ đầu tư (như thẩm định thiết kế, phối hợp góp ý chủ trương đầu tư...), giúp các chủ đầu tư giảm thiểu tối đa thời gian trong quá trình đầu tư ban đầu để sớm đi vào giai đoạn vận hành sản xuất.
- Thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, DN.
![]() |
Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt |
Không thể không nhắc đến vai trò điều hành của ngành Công Thương với chính sách thương mại tại thị trường nội địa trong việc kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Bộ trưởng có thể chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước?
BỘ TRƯỞNG TRẦN TUẤN ANH:
Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 4.410.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2017 (là mức tăng khá tốt trong vài năm gần đây), trong đó các nhóm tăng cao là các nhóm hàng hóa thiết yếu, như: Lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, may mặc và nhóm lữ hành.
Công tác bình ổn thị trường được triển khai tích cực và kịp thời. Giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu được bình ổn, hỗ trợ tốt cho sản xuất và đời sống của người dân. Đối với các mặt hàng do nhà nước quản lý giá giao cho Bộ Công Thương, Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ và linh hoạt trong công tác điều hành giá để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).
Một số nhóm giải pháp cơ bản đã được Bộ Công Thương thực hiện tích cực và hiệu quả. Đó là:
- Triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, công tác điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, phối hợp kiểm soát lạm phát kết hợp triển khai các chính sách an sinh xã hội và tạo công ăn việc làm, nhằm tăng thu nhập cho người dân, điều này giúp tạo tâm lý yên tâm cho người dân trong chi tiêu và kích thích đầu tư của DN.
- Chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng giá hợp lý cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng.
- Triển khai tích cực công tác kết nối nhà phân phối và người sản xuất, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất nông sản để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với một số vùng sản xuất mới (Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình...) và đối với các loại nông sản thực phẩm đang có sự tăng trưởng tốt trong sản xuất thời gian vừa qua.
- Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong nước, các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Triển khai có hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
- Rà soát và có chính sách kiểm soát đối với việc kinh doanh, mua bán hàng hóa online tự phát chưa được đăng ký với các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh triển khai các cam kết quốc tế, mở cửa thị trường và đặc biệt việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được thực thi ngày 14/1/2019 có thể giúp giá hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong khối giảm do thuế nhập khẩu được cắt giảm, điều này đã góp phần hỗ trợ gia tăng sức mua tại thị trường nội địa.
![]() |
Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 11,6% so với năm 2017 |
Liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, năm 2018, lĩnh vực điện năng đã có bước chuyển lớn về Chỉ số tiếp cận điện năng. Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo cụ thể gì, thưa Bộ trưởng?
BỘ TRƯỞNG TRẦN TUẤN ANH:
Đối với Chỉ số tiếp cận điện năng, thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2018 cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhằm đảm bảo tổng thời gian giải quyết các thủ tục kết nối cấp điện thuộc trách nhiệm của công ty điện lực tối đa không quá 7 ngày. Đối với các tỉnh, thành lớn, khuyến khích các đơn vị thực hiện với thời gian ngắn hơn và phải niêm yết công khai thông tin để tạo thuận lợi cho khách hàng.
![]() |
Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh thí điểm áp dụng “cơ chế một cửa liên thông” giữa các đơn vị điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tiếp tục giảm thời gian, các bước tiếp cận điện năng.
Theo đánh giá độc lập tại Báo cáo Doing Business năm 2019, kết quả đánh giá Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam đứng thứ 27/190 nền kinh tế (tăng 37 bậc so với năm trước đó) và đứng thứ 4 trong các nước ASEAN với tổng thời gian tiếp cận điện năng là 31 ngày (vượt mục tiêu mà Chính phủ giao tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP là 35 ngày). Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN, mặc dù đã có những ghi nhận về cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng và đã đánh giá tăng thứ hạng của Việt Nam, song Doing Business hiện vẫn chưa ghi nhận hết một số cải thiện của Việt Nam trong tiếp cận điện năng, gồm: i) “Tiếp nhận yêu cầu, khảo sát hiện trường và thỏa thuận đấu nối” từ 04 ngày xuống còn 02 ngày; ii) “Nghiệm thu đóng điện, ký kết hợp đồng mua-bán điện” từ 07 ngày xuống còn 5 ngày. Nếu Doing Business tiếp tục ghi nhận các cải thiện này của EVN trong năm tới thì tổng thời gian thực hiện tiếp cận điện năng sẽ tiếp tục giảm, chỉ còn 27 ngày.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát EVN và các đơn vị điện lực tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, nhằm tiếp tục cải thiện bền vững Chỉ số tiếp cận điện năng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!