Bắc cầu cho nông sản Việt

08:30 | 02/02/2019 In bài biết
Lợi thế về nguồn nguyên liệu nông-lâm-thủy sản dồi dào của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cùng với sức tiêu thụ cao của TP.Hồ Chí Minh sẽ tạo nên sự "ăn ý" trong kết nối cung-cầu, từ đó hình thành chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến kinh doanh.
bac cau cho nong san viet

Cuối năm 2018, nhóm phóng viên chúng tôi nhận được lời mời của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tham gia chương trình kết nối cung-cầu của thành phố với các tỉnh thành khác. Dù là sự kiện thường niên từ 6 năm qua, nhưng năm nào chúng tôi cũng đều ngóng chờ tới ngày diễn ra, bởi đây là địa phương luôn có sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm. Mỗi kỳ kết nối là một kỳ đổi thay. Năm nay, lần đầu tiên, chương trình được đưa về Bến Tre.

Xuất phát từ lúc thành phố còn chìm trong sương đêm, đoàn chúng tôi vượt qua cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, rồi đến Tiền Giang, rồi lại qua cây cầu Rạch Miễu nổi tiếng. Khi ánh mặt trời rạng tỏ cũng là lúc hình ảnh những hàng dừa xanh mướt hiện lên. Hàng trăm năm qua, những hàng dừa ấy, vẫn hiện ngang tồn tại cùng trời đất, làm nên biểu tượng của mảnh đất cách mạng Ba Tri anh hùng. Nằm ở cuối nguồn dòng Cửu Long giang, Bến Tre hình thành bởi 3 cù lao lớn, bao gồm: Cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hoá do 4 con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lại, Hàm Luông, cổ Chiên chia cắt. Vốn là tỉnh có nhiều sông, rạch nên khi đặt chân đến mảnh đất này, ai ai cũng sẽ cảm nhận được nét nguyên sơ của miệt vườn, màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái rộng lớn.

bac cau cho nong san viet

Mất gần 3 giờ, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Thương mại Triển lãm và Hội nghị Quốc tế - Việt Nam (VN – ITECC) - nơi diễn ra Chương trình Kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2018. Ngay lập tức, chúng tôi bị ấn tượng mạnh bởi không gian bài trí đẹp mắt của gần 500 gian hàng, nhất là khu vực trưng bày các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng Nam bộ. Nào là hoa quả, bánh trái, cá tra, cá lóc, tôm khô, mực một nắng… dường như tất cả những món ngon, món lạ của mảnh đất trời Nam đều hội tụ về đây, khiến cho một người gốc Bắc như tôi vô cùng thích thú.

Tiến về gian hàng của Đồng Tháp, chúng tôi thấy chị Phạm Thị Bé - thành viên của một hợp tác xã (HTX) cây trái của tỉnh này đang tất bật cắt mít ruột đỏ giới thiệu cho khách. Từ hương vị, độ giòn, ngọt đến màu sắc đặc biệt của giống mít này đều khác hẳn mít bình thường. Bởi thế, dù bán với giá gần 50.000 đồng/ký, bằng giá bán từ vườn như chị Bé nói, cao gấp ba giá mít Thái bình thường, nhưng mít ruột đỏ của chị thu hút rất đông khách mua hàng.

Dừng tay một lát, trò chuyện cùng chúng tôi, với nụ cười đôn hậu của người miền Tây, chị Bé kể, chị cùng các hộ trong HTX đến đây nhằm tìm đường đưa nông sản vào được các chuỗi siêu thị lớn trên thành phố. Theo lời chị, gia đình chị trồng nhiều giống mít Thái chất lượng cao như ruột vàng, ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, từ trước đến nay, dù trồng với diện tích lớn song chị đều phải bán qua thương lái, thường xuyên bị ép giá. Bởi vậy, chị mong được gặp các nhà thu mua của các doanh nghiệp (DN) để có thể bán trực tiếp, với hy vọng lợi nhuận cao hơn, đầu ra ổn định hơn, hoặc “giấc mơ lớn hơn là có thể xuất khẩu được loại quả này” như lời chị Bé nói.

Câu chuyện của chị Bé tưởng như rất nhỏ nhoi nhưng đây lại là “nút thắt” lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ngành nông nghiệp của cả nước nói chung khi cung-cầu lỗi nhịp, khi người nông dân, DN không tìm được nhau. Đó còn là vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, về nông nghiệp và thị trường.

Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam có lợi thế sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại nông thủy sản, trái cây, rau quả phong phú, đa dạng nhưng lại đang gặp khó khăn về đầu ra. Tuy nhiên, giữa các địa phương lại chưa tạo được sự liên kết, hình thành chuỗi các công đoạn sản xuất để bổ sung, hỗ trợ nhau. Thông thường, mỗi địa phương chỉ theo đuổi mục tiêu riêng nên khó phát huy lợi thế so sánh, và thường rơi vào tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, từ đó làm triệt tiêu thế mạnh của nhau.

bac cau cho nong san viet

Phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt của TP. Hồ Chí Minh, ông Kiên cho hay, để nâng cao hiệu quả liên kết tiêu thụ nông sản, cần phát huy vai trò của nhiều khâu. Trong đó, hệ thống phân phối của thành phố cần thống nhất phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm nhãn hàng riêng và sẽ được thành phố hỗ trợ quảng bá, từ đó giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần hình thành các DN đầu mối, DN đại diện có uy tín đối với từng nhóm ngành hàng tại các địa phương để kết nối cung ứng, tiêu thụ sản phẩm với DN các tỉnh, thành phố khác. Ở khía cạnh vĩ mô hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để giải quyết tốt bài toán tiêu thụ nông sản cho bà con, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt phải chú ý đến vai trò của cơ quan nhà nước, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của DN và người sản xuất. Cùng với đó, phát triển liên kết chặt chẽ giữa hệ thống phân phối và tổ hợp tác, HTX. Cần đẩy mạnh hoạt động kết nối cung-cầu lồng ghép với chương trình bình ổn thị trường, chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa trong nước.

Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa, vựa nông sản của cả nước. Từ nơi đây, những cây trái miệt vườn theo những con đường tỏa khắp muôn nơi. Nhưng sản vật trời Nam đang rất cần sự chung tay, góp sức của cả xã hội, tạo dựng nên những cây cầu kết nối trong và ngoài nước, để “chắp cánh” cho sản vật ấy bay cao, bay xa.

Nguyễn Phượng & Thế Vĩnh

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/bac-cau-cho-nong-san-viet-193471.html