Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, để phát triển CNHT trên địa bàn, ngành Công Thương thành phố đã xây dựng, tham mưu, ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển CNHT. Một trong những chính sách đó là, quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT giai đoạn 2018-2020, theo đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) CNHT lãi vay để đầu tư nhà xưởng và đầu tư công nghệ sản xuất mới, thời gian hỗ trợ là 7 năm, mức vốn vay tối đa cho 1 dự án là 200 tỷ.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhu cầu linh, phụ kiện cho các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của thế giới |
Triển khai các chính sách hỗ trợ DN đầu tư sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, CNHT thông qua các chương trình kích cầu đầu tư. Năm 2018, Sở Công Thương thành phố đã tư vấn, hỗ trợ cho hơn 30 DN có nhu cầu tham gia chương trình kích cầu đầu tư; Tổ liên ngành thành phố đã tiếp nhận 16 hồ sơ dự án, thẩm định 9 dự án với tổng vốn đầu tư 943,184 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 221 tỷ đồng, riêng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 110 tỷ đồng.
TP. Hồ Chí Minh cũng liên tục tổ chức cho các DN CNHT tiếp xúc với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhằm trao đổi thông tin, nắm bắt được nhu cầu của các DN FDI, từ đó kết nối và trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các DN FDI.
Ông Trần Bá Lân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ Khí Lân Hùng (quận 5, TP. Hồ Chí Minh ) - cho rằng: Việc tiếp xúc trực tiếp với các DN FDI là cơ hội rất lớn đối với DN CNHT trong nước, hoạt động này sẽ tạo điều kiện để DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài kết nối giao thương với các DN FDI, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực CNHT, chuyển giao các tri thức về công nghệ, về kinh nghiệm quản trị cho các DN, nhờ đó nhiều DN đã tiết giảm được chi phí sản xuất, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Đại diện Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh cho rằng, sau khi tham gia chương trình đào tạo, tư vấn viên về năng suất và chất lượng cho các DN Việt Nam, công ty đã giảm được 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất, giảm 42% tỷ lệ nghỉ việc, và tăng năng suất lao động.
Để giúp các DN trong lĩnh vực CNHT thuận lợi hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển ngành công nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương, tới đây ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành với nhà sản xuất trên tinh thần “cùng nhau tư duy và hành động”, nhằm hiểu hơn nữa những thuận lợi và khó khăn của DN, từ đó tìm ra hướng đi phù hợp, thúc đẩy ngành CNHT phát triển.