![]() |
Số lượng doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội tăng nhanh |
Phát triển nhanh
Theo Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, thời gian qua, KTTN trên địa bàn Thành phố phát triển nhanh về số lượng. Hiện Thành phố có trên 200.000 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hoạt động, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2008 với 38.059 DN, chiếm 25% số lượng DN của cả nước, cao hơn số lượng DNTN của 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng cộng lại.
Hà Nội cũng có 1.350 làng nghề, chiếm gần 50% số làng nghề của cả nước và 59% tổng số làng ngoại thành của Hà Nội, trong đó có 244 làng nghề truyền thống.
KTTN đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế Thủ đô, với mức 40% GDP. Riêng DNTN của Hà Nội hiện chiếm 35-40% tổng vốn đầu tư xã hội, đảm nhiệm 36% tổng mức lưu chuyển hàng hóa-dịch vụ bán lẻ, đóng góp 9-10% giá trị hàng hóa xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 60% lao động trên địa bàn.
Để có được kết quả trên, Thành phố đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thiết thực, phù hợp với các luật, nghị định mới ban hành và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Cạnh đó, Thành phố chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tác nghiệp, phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh công tác đăng ký kinh doanh qua mạng (hiện đạt 64%), thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục trong 2 ngày làm việc. Thực hiện thủ tục liên thông cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết TTHC về đầu tư. Duy trì tỷ lệ DN thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 95%. Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21-26 ngày, giảm 10-15 ngày so với quy định.
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DNTN phát triển, Thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Đáng chú ý, Thành phố đã luôn đồng hành, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất-kinh doanh (SXKD), phù hợp với những cam kết quốc tế trong lĩnh vực: Tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, khoa học-công nghệ (KHCN). Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật. Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN, kết nối vùng, hàng hóa cung-cầu, chuỗi sản xuất nông nghiệp, kết nối DN-ngân hàng... để tạo thuận lợi cho DN phát triển SXKD.
Thêm chính cơ chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện trình độ phát triển của KTTN còn thấp, thiếu vốn, mặt bằng SXKD. Phần lớn DNTN có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình. Trình độ công nghệ và tay nghề của công nhân chưa cao, máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động, hiệu quả SXKD thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm có uy tín, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, quản trị nội bộ của nhiều DN còn yếu, nhất là loại hình DNTN, công ty trách nhiệm hữu hạn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh.
Để khu vực KTTN phát triển trong thời gian tới, Trung tâm Hỗ Trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội kiến nghị, cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố cần tích cực thực hiện Nghị quyết 35, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2020. Thực hiện đồng bộ các luật mới ban hành: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật DN,...
Cạnh đó, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ với các hiệp hội DN, các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành đối với DN để lắng nghe và có những giải pháp tháo gỡ kịp thời những tâm tư, nguyện vọng và khó khăn cho các DN. Phấn đấu cắt giảm chi phí cho DN, nhất là chi phí liên quan đến TTHC (thành lập DN, thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, mặt bằng...).
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến khích khởi nghiệp, cơ chế, chính sách thúc đẩy nhanh chóng việc hình thành một số tập đoàn KTTN khi đã hội đủ điều kiện. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ và bảo lãnh để các DNTN có đủ điều kiện tham gia vào hợp tác sản xuất công nghiệp phụ trợ, làm nhà thầu chính trong liên doanh với đối tác nước ngoài.
Các chuyên gia đều cho rằng, để đẩy mạnh phát triển KTTN, cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các DN cũng cần phải tự xây dựng văn hóa DN và đạo đức doanh nhân. Nâng cao năng lực quản trị và chất lượng nhân lực trong DNTN.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Thành phố Hà Nội: Tổ chức triển khai Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành phối kết hợp nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn về vốn, xúc tiến về thị trường, cải cách TTHC, tạo môi trường kinh doanh của Thủ đô ngày một phát triển. |