Ngành Ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào hoạt động, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đầu tư cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt |
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết, cả nước hiện có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử; 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng và trong năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch, đạt giá trị 91.000 tỷ đồng với trên 10 triệu món thanh toán, giảm 4,5 % so với 2017.
Thanh toán điện tử trong thời gian qua cũng phát triển mạnh. Chỉ riêng năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý thông suốt 73 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ công, NHNN vừa có văn bản đề nghị các ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục tập trung, đầu tư cho hoạt động này.
Theo đó, chú trọng nghiên cứu và tích cực triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hóa quy trình xử lý, nhằm cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán chất lượng, phù hợp với nhu cầu của các tổ chức, cá nhân với chi phí hợp lý để thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, an toàn đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí...
Các đơn vị cũng phải nghiên cứu có giải pháp về mô hình kết nối phù hợp, hiệu quả giữa các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí... một cách nhanh chóng, thông suốt và an toàn thông qua việc tiết giảm đầu mối kết nối, đảm bảo cung ứng dịch vụ cho khách hàng là tổ chức, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng khác nhau. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý (miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, hoàn tiền, quay số, tích điểm thưởng...) để khuyến khích và tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí...
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải chỉ đạo các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, chương trình phần mềm phục vụ thanh toán điện tử, đảm bảo thực hiện các lệnh thanh toán nộp phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí... của khách hàng một cách chính xác, kịp thời, thông suốt và an toàn theo đúng quy định.
Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng có công văn yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố, kể từ ngày 1/4 hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nộp các khoản vào ngân sách nhà nước (NSNN) bằng hình thức TTKDTM, hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại, để chuyển nộp vào tài khoản của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, tất cả các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại nếu có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và phát sinh các khoản nộp NSNN, thì phải thực hiện nộp các khoản vào NSNN (bao gồm: Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí và các khoản thu khác) bằng hình thức TTKDTM (chuyển khoản) hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại, để chuyển nộp vào tài khoản của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, đối với các hộ kinh doanh cá thể, cá nhân nếu có hoạt động XNK và phát sinh các khoản nộp NSNN thì không chịu sự điều chỉnh của Thông tư số 136/2018/TT-BTC.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2018, Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực khi chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%.
Vì thế, các bộ ngành đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động TTKDTM, theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 02/2019 của Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố cần chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp-thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Nội dung này yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.