![]() |
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM |
Đời sống người dân được nâng cao
Chia sẻ về kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết: Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về năng suất, chất lượng. Địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, đã hình thành được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Toàn huyện có 95 trang trại đạt tiêu chí NTM (tăng 61 trang trại so với năm 2010). Năm 2018, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1.892 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2010.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, giá trị gia tăng bình quân ngành nông nghiệp đạt 2,5%/năm; tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản năm 2018 tăng 3,6%. Cơ cấu về giá trị sản xuất tiếp tục chuyển dịch tích cực. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tiêu chí giao thông có 378 xã đạt và cơ bản đạt; tiêu chí thủy lợi duy trì 384 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2018; tiêu chí điện, duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt so với cuối năm 2018; tiêu chí trường học có 342 xã đạt và cơ bản đạt, còn 44 xã chưa đạt; tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa có 373 xã đạt và cơ bản đạt, còn 13 xã chưa đạt.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, hiện khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố đã có nhiều siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, dự kiến hết năm 2019 sẽ đạt thu nhập bình quân đầu người trên 49 triệu đồng/người/năm.
Đến hết tháng 4/2019, toàn thành phố đã có 4/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức), có 325/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 84,2%), bằng gần 1/10 số xã NTM toàn quốc, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Trong xây dựng NTM, đã tập trung bố trí nguồn lực cho các xã xây dựng NTM theo tiến độ và khả năng thực hiện của các địa phương. Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, từ năm 2011 đến hết tháng 6/2019, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội là 76.451,3 tỷ đồng, trong đó Thành phố đã bố trí kế hoạch nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 18 huyện, thị xã thực hiện chương trình NTM với tổng số tiền là 25.958 tỷ đồng (chủ yếu cho công tác quy hoạch, đề án NTM, hỗ trợ xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng sau dồn điền đổi thửa và các hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và các xã dự kiến hoàn thành trước 2020). Riêng giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư tăng bình quân hơn 10%/năm so với giai đoạn 2011-2015.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM Hà Nội, thông qua xây dựng NTM đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn của Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể. Sản xuất nông nghiệp và ngành nghề đã đạt được hiệu quả nhất định. Sau dồn điền đổi thửa, trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đã tập trung chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang các loại cây trồng phù hợp bằng biện pháp đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào thay thế các cây trồng không phù hợp. Ở nhiều nơi, đã vận động các nông hộ cải tạo vườn tạp để xây dựng những vườn cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Việc phát triển đa dạng hóa các làng nghề cũng được chú trọng, quan tâm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phấn đấu có thêm 30 xã về đích NTM
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Văn Chí, việc xây dựng NTM vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn. Hiện, tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã và lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn của các xã theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 1/3/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn còn rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai ở khu vực nông thôn cũng còn những hạn chế. Công tác vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của thành phố còn chậm.
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2019, có thêm 30 xã hoàn thành xây dựng NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 353 xã, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu có trên 80% số xã đạt chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu này, đồng thời để Chương trình Xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, ông Nguyễn Văn Chí cho hay, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện Gia Lâm, Quốc Oai đạt chuẩn NTM năm 2018, thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019, huyện Thạch Thất đạt chuẩn NTM năm 2019; ngoài ra, phấn đấu tăng thêm 30 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Cạnh đó, sẽ triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Hà Nội đến năm 2020. Riêng năm 2019, phấn đấu tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 300 sản phẩm trở lên. Trong đó, có từ 150 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp thành phố, lựa chọn 30 sản phẩm trình Bộ NN&PTNT thẩm định công nhận sản phẩm cấp quốc gia…
Năm 2019, Hà Nội tập trung xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao... góp phần đưa nông thôn Thủ đô trở thành những nơi đáng sống. |