Cam kết sở hữu trí tuệ ở mức cao
EVFTA được đánh giá là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đây cũng là hiệp định có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và FTA đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, một số cam kết chính trong các lĩnh vực như: Thuế quan (gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 1 lộ trình ngắn), dịch vụ (mức mở cửa về cơ bản như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khác biệt ở dịch vụ ngân hàng, vận tải biển), lao động.
Tại Hội nghị về EVFTA với chủ đề: “Một số cam kết quan trọng về SHTT và những điều cần lưu ý” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những FTA thế hệ mới, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, ngoài ra còn có vấn đề SHTT. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA.
![]() |
Để tận dụng cơ hội EVFTA, DN cần vượt qua nhiều thách thức |
Đánh giá về cam kết SHTT trong hiệp định này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh – cho hay, riêng về SHTT, những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT, cùng với nguyên tắc tối huệ quốc nhằm bảo đảm cho DN của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên dành cho bên thứ ba, được cho là đã đặt ra một tiêu chuẩn mới trong việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về bảo hộ của chủ thể, nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ SHTT.
“Nhìn chung, đa số các cam kết về SHTT là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá.
Theo đó, cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO, tương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây. Đồng thời, cam kết của Việt Nam với EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với độ mở tối đa mà Việt Nam thỏa thuận với các đối tác FTA khác. Đơn cử, Hiệp định đặt ra yêu cầu bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực..
![]() |
EVFTA được đánh giá là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU |
Thách thức sửa đổi pháp luật
Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực SHTT, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, dự kiến EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước.
Thực tế, Việt Nam đã có Chương trình hành động và bước đi kịp thời khi triển khai việc thực thi một loạt FTA khác và CPTPP. Đặc biệt, tháng 8 mới đây, Thủ tướng ký Quyết định 1068/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030. Đây chính là bước đi trong cam kết hội nhập của Việt Nam. “Nếu cơ quan chức năng không kịp thời xây dựng và tổ chức triển khai các Chương trình hành động, nhất là liên quan đến khuôn khổ pháp lý trong việc thực thi cam kết hội nhập, thì chúng ta sẽ trở thành đối tượng của trừng phạt thương mại nếu không thực thi cao nhất” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và đề nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc trước tiên để tạo nền tảng, thực thi nghiêm túc thông qua hội nhập và cam kết hội nhập.
Đồng tình quan điểm, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – cho rằng, rà soát pháp luật mới chỉ là bước đi đầu tiên. Một trong những nội dung quan trọng tiếp theo là phải rà soát, đánh giá việc thực thi không chỉ là ở hiện trạng thực thi quyền SHTT mà là cả ở năng lực trong tương lai về thực thi các cam kết để có những điều chỉnh phù hợp.
“Dưới góc độ cơ quan thực thi, để cải thiện công tác thực thi quyền SHTT trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, thời gian tới, cần xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT và thực thi quyền SHTT, bởi hiện Việt Nam chưa có hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền SHTT” – ông Trần Hữu Linh cho biết thêm.
Bên cạnh thách thức sửa đổi pháp luật, các cam kết về SHTT cũng sẽ mang lại những thách thức nhất định cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam, có thể khiến DN Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Chính vì vậy, DN cần phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, DN mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.