![]() |
Từ năm 1993 đến nay, EVNNPC đã triển khai 21 dự án vay vốn ODA |
Năm 1969, Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng công ty EVNNPC) được thành lập, thực hiện vai trò đảm bảo điện cho phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) ở miền Bắc. Thời kỳ này, công ty vừa thực hiện khôi phục thiết bị bị tàn phá của chiến tranh, vừa chiến đấu bảo vệ cơ sở sản xuất, vừa đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển hạ tầng điện. Trong đó, phải kể đến việc hợp tác với Liên Xô để thi công, xây dựng nhà máy thuỷ điện Thác Bà từ năm 1970; vận hành toàn bộ công trình vào tháng 6/1972. Sau đó là các công trình Nhiệt điện Ninh Bình (100MW) do Trung Quốc viện trợ (24-6-1971) và công trình Thủy điện Hòa Bình (1920MW) bằng nguồn vốn vay của Liên Xô (6-11-1979).
Năm 1995, sau khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) ra đời, nhiều đơn vị trực thuộc công ty chuyển về EVN, EVNNPC bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu về kinh doanh điện năng và phát triển lưới điện miền Bắc. Đây cũng là thời điểm Việt Nam có những chuyển biến cơ bản về quan hệ quốc tế: Mỹ bỏ cấm vận kinh tế. Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các tổ chức tài chính quốc tế lớn như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) … bắt đầu nối lại quan hệ và cho Việt Nam vay các khoản vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Ngay sau đó, EVNNPC đã bắt tay vào triển khai hàng loạt dự án cải tạo lưới điện trên toàn miền Bắc, trong đó phải kể đến dự án “Cải tạo lưới điện tại 3 thành phố: Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định” bằng nguồn vốn vay từ ADB; Dự án Cải tạo lưới điện phân phối thành phố Thái Nguyên (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn vay ODA của Thụy Điển hoàn thành vào năm 2002.
Các công trình hoàn thành đã góp phần tăng năng lực truyền tải, chống quá tải, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp cũng như độ tin cậy cung cấp điện. Quan trọng hơn, đã nâng cao hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy phát triển KTXH của các địa phương được thụ hưởng, nâng cao vị thế của EVNNPC nói riêng và ngành điện nói chung.
Giai đoạn 2006-2010, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cũng vào thời điểm này, EVNNPC được tham gia thực hiện Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam vay vốn từ WB theo Hiệp định tín dụng số 3358-VN ký ngày 1-9-2000 giữa Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) và Bộ Tài Chính (thay mặt Chính phủ Việt Nam).
Do EVNNPC thực hiện đấu thầu thi công xây lắp nên đã giảm được rất nhiều chi phí. Quá trình thực hiện dự án đã tiết kiệm được vốn đầu tư, nên đã tăng được quy mô đầu tư từ 340 xã lên 530 xã, góp phần cung cấp điện cho người dân nông thôn ở diện rộng hơn so với dự kiến ban đầu của Dự án.
Dự án thành phần Năng lượng nông thôn Việt Nam khu vực miền Bắc vay vốn WB đã giúp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi từ điện lưới quốc gia với giá mua điện rẻ do mua điện trực tiếp từ ngành điện. Bên cạnh đó, việc có điện đã giúp nâng cao đời sống văn hóa và nâng cao dân trí cho người dân trong vùng dự án, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xoá đói giảm nghèo.
Từ cuối những năm 1990 và đầu năm 2000, EVNNPC luôn là đơn vị đi đầu trong các đơn vị phân phối về tiếp cận các nguốn vốn vay ưu đãi nước ngoài. EVNNPC tiếp xúc, làm việc, thiết lập, duy trì mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế như: Pháp, Bỉ, Phần Lan, WB, ADB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng tái thiết Đức (KFW)…EVNNPC đã tập trung hoàn thành tốt công tác chuẩn bị dự án, phối hợp và trực tiếp làm việc với các tổ chức cho vay ngay từ khi thiết kế dự án, khảo sát dự án, thu thập số liệu và làm việc với các tổ chức cho vay, các bộ, ngành của Việt Nam trong công tác thẩm định dự án, thương thảo hiệp định dự án… EVNNPC luôn được EVN và các tổ chức cho vay đánh giá cao về công tác triển khai, thực hiện dự án ODA, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Từ năm 1993 đến nay, EVNNPC đã triển khai 21 dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhiều nhà tài trợ với tổng mức đầu tư lên đến 1.783 triệu USD, trong đó số vốn nước ngoài là 1.240 triệu USD.
Nguồn vốn ODA này đã góp phần quan trọng để đáp ứng nhu cầu cải tạo, phát triển và xây mới lưới điện cho 27 tỉnh phía Bắc. Sử dụng tốt nguồn vốn ODA, góp phần không nhỏ vào thành quả chung của chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam – khu vực miền Bắc. Hiệu quả từ các dự án được các tổ chức cho vay đánh giá cao, có dự án đã trở thành điển hình học tập cho các nước trên thế giới trong quá trình điện khí hóa nông thôn như: Dự án Năng lượng nông thôn I, Năng lượng nông thôn II.
Song song với việc xây dựng, cải tạo lưới điện, EVNNPC còn tích cực triển khai Hiệp định liên Chính phủ về mua-bán điện khu vực tiểu vùng sông Mê-kông, trong đó có việc mua điện của Trung Quốc, nhằm tăng nguồn điện cung cấp cho một số tỉnh phía Bắc, giải quyết tình trạng thiếu điện, đảm bảo cân đối cung-cầu điện năng của miền Bắc.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, EVNNPC đã tổ chức thành công các chuyến đi học tập cho cán bộ quản lý, kỹ thuật, đầu tư xây dựng tới các công ty điện lực ở nước ngoài như: Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung quốc…Qua đó, giúp nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp khoa học, hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thị trường điện, quản trị nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong công tác quản lý, vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn và các dịch vụ tiện ích, tiên tiến.
Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế là một trong những điểm sáng của EVNNPC, bởi không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống điện ở miền Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH giữa các vùng, miền mà còn tạo niềm tin, nâng cao vị thế của ngành điện nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho EVNNPC tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.