Doanh nghiệp Hoa Kỳ: Tìm kiếm nhà cung ứng Việt

08:00 | 05/11/2019 In bài biết
Kết nối, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam vào chuỗi cung ứng, nâng cao hàm lượng nội địa tại Việt Nam và giá trị gia tăng cho nền kinh tế... đã và đang được cộng đồng các DN Hoa Kỳ nỗ lực thực hiện trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.  

Dịch chuyển chuỗi cung ứng

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 9 năm 2019 khi nói đến các nước xuất khẩu (XK) lớn nhất vào Hoa Kỳ. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.

doanh nghiep hoa ky tim kiem nha cung ung viet
Số lượng DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn Hoa Kỳ chưa nhiều

Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh, từ mức 1,4 tỷ USD vào năm 2001, là thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực và đạt 58,8 tỷ USD vào cuối năm 2018. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt 35,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ cho hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc, thiết bị điện tử… Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.

Bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Những năm qua, mối quan hệ giữa các DNNVV Việt Nam và các công ty đa quốc gia trong chuỗi cung ứng sản xuất đã được kết nối và gắn kết rất hiệu quả. các DN Hoa Kỳ đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đã rất tích cực trong việc thực hiện khai thác các thế mạnh của các DN Việt Nam, nhất là các DNNVV để trở thành nhà cung ứng cho DN Hoa Kỳ, hỗ trợ nâng cao chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Ngày hội các nhà cung cấp AmCham 2019 mới đây, đã mở rộng quy mô với hơn 100 công ty tham gia triển lãm từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề, bao gồm điện tử, kim khí, nội thất, y tế, bảo hiểm, thực phẩm, đồ uống, giao vận, dịch vụ và các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp khác. Đáng chú ý, nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ cũng đang dịch chuyển vào Việt Nam, mong muốn cùng hợp tác kinh doanh với DN Việt Nam, giúp DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

doanh nghiep hoa ky tim kiem nha cung ung viet
Nhiều DN Hoa Kỳ đang tìm kiếm và kết nối với các nhà cung ứng Việt

DN chủ động nâng cao năng lực

Bà Marie Damour - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong những năm vừa qua, là đối tác kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ. Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ nhờ vào sự năng nổ và đóng góp tích cực của khu vực tư nhân từ phía hai quốc gia. Trọng tâm của sự tăng trưởng này chính là các DNNVV đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Các DNNVV chiếm 98% tổng số DN, đóng góp 45% GDP và tạo ra 63% số lượng việc làm tại Việt Nam. Tuy nhiên, các DN này vẫn chưa tham gia được nhiều vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn từ Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của Amcham, giá trị tiềm năng để tăng khả năng nội địa hóa trong xuất khẩu thông qua chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là 115 tỷ USD. Vì thế, các DNNVV cần nâng cao năng lực, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy nhanh quá trình nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Ông Trần Toàn Thắng - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho hay, trong bối cảnh xung đột thương mại và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội và thách thức rất lớn. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Chính phủ cần rà soát ưu đãi đầu tư; chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; nghiên cứu tận dụng cơ hội cũng như các thách thức để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay; rà soát và hoàn thiện khung khổ luật pháp về môi trường đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho DN, nhất là khu vực DNNVV.

Bà Marie Damour cho biết thêm, trong nỗ lực thúc đẩy các DNNVV của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng triển khai Dự án USAID LinkSME, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho DNNVV và nâng cao năng lực cho các hiệp hội DN trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV. Kết nối các DNNVV với những DN hàng đầu, nhằm thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thanh Thanh

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/doanh-nghiep-hoa-ky-tim-kiem-nha-cung-ung-viet-189263.html