Phát triển chưa xứng tầm
Số liệu của Sở Công Thương cho thấy, sau 2 năm xét chọn (2018 - 2019), Hà Nội có 91 sản phẩm được công nhận là SPCNCL, chiếm khoảng 42,9% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu đạt 11.610 tỷ đồng. 61 sản phẩm được công nhận SPCNCL năm 2018 và 30 sản phẩm được công nhận năm 2019 đã tạo bức tranh SPCNCL Hà Nội sinh động, nhiều màu sắc; đa dạng ngành nghề, chủng loại sản phẩm. Đây thực sự là những SPCNCL có sức mạnh, lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế Thủ đô.
Các doanh nghiệp (DN) có sản phẩm được thành phố công nhận là SPCNCL phần lớn là DN có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đây là những DN thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, phần mềm.
![]() |
Doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận SPCNCL sẽ được cấp Giấy chứng nhận và thời gian công nhận là 36 tháng |
Những DN sản xuất SPCNCL là DN năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế góp phần tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, thực sự là những cánh chim đầu đàn của ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô.
Thực tế cho thấy, dù SPCNCL đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất công nghiệp TP. Hà Nội, tuy nhiên, nhiều SPCNCL TP. Hà Nội đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp. Không chỉ vậy, bản thân các DN có SPCNCL chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ.
TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đánh giá, dù mang danh hiệu SPCNCL nhưng việc chế tạo vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Năng suất lao động thấp, trình độ nhân lực cũng như năng lực quản lý của DN chưa cao, dẫn tới tình trạng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh ở những gói thầu yêu cầu kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, đất đai, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà DN đang phải đối mặt.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu giá trị sản xuất của các DN có sản phẩm được công nhận SPCNCL thành phố tăng 10 - 12% so với năm 2019, góp phần tăng tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình Phát triển SPCNCL thành phố. Trong đó, tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, công khai quy định, tiêu chí xét chọn SPCNCL TP. Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng; họp báo và triển khai hội nghị tập huấn, phổ biến, tuyên truyền giới thiệu Chương trình xét chọn SPCNCL thành phố năm 2020 đối với các cơ sở sản xuất, DN tại các cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thành phố; tổ chức lễ công bố, tôn vinh các SPCNCL thành phố năm 2020.
Cùng với đó, thành phố sẽ tổ chức vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các DN lớn, có doanh thu đạt 100 tỷ đồng/năm trở lên, có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 triệu USD/năm trở lên và các DN có sản phẩm công nghệ cao đáp ứng được tiêu chí của Đề án đăng ký, lập hồ sơ tham gia Chương trình xét chọn SPCNCL TP. Hà Nội năm 2020. Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ DN tham gia Chương trình Phát triển SPCNCL thành phố thông qua các chương trình của thành phố, như: Khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu...
Đi đôi với thực hiện các nội dung trên, thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ DN sản xuất SPCNCL; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các DN sản xuất SPCNCL; hỗ trợ DN sản xuất SPCNCL phát triển khoa học - công nghệ; phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai Chương trình công nghiệp chủ lực giai đoạn 2018 - 2020, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN sản xuất SPCNCL và chương trình phát triển SPCNCL giai đoạn 2021 - 2025…
Nhằm hỗ trợ DN phát triển SPCNCL thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - Lê Hồng Thăng - cho biết, TP. Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của SPCNCL. Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.
Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Sở Công Thương xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, xứng tầm dành riêng cho các DN có sản phẩm được công nhận là SPCNCL. Các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất SPCNCL thành phố khi đến giao dịch. |