Nhu cầu thiết yếu
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại học sinh, sinh viên cả nước đã phải nghỉ học gần 2 tháng. Để giữ kiến thức, ngành giáo dục đã khuyến khích việc học trực tuyến. Không chỉ các trường học mà nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng triển khai hình thức làm việc trực tuyến tại nhà, vì vậy nhu cầu sử dụng máy tính, thiết bị ghi hình cũng tăng lên đáng kể, trở thành một trong những mặt hàng hút khách nhất tại thời điểm này.
![]() |
Học sinh, sinh viên cần máy tính để phục vụ cho việc học trực tuyến, tra cứu tài liệu, tìm kiếm giáo trình ôn tập… Đối với phụ huynh và những người đi làm nói chung thì cần máy tính, thiết bị ghi hình, các phần mềm trực tuyến… để giải quyết công việc, họp hành…
Gia đình có con là học sinh đang nghỉ dịch mà nhà trường yêu cầu phải học trực tuyến để theo kịp kiến thức, chị Nguyễn Ngọc Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) - cho biết, do công việc của chồng không cần sử dụng máy tính thường xuyên và cũng hạn chế cho các con dùng máy tính vì sợ các bạn mải chơi quên học nên trong nhà chỉ có một máy tính cho chị làm việc, nhưng bây giờ trường bạn lớn đang học lớp 11phải học trực tuyến ở nhà nên bắt buộc phải sắm thêm máy tính để đáp ứng nhu cầu học tập của các con.
Do nhà trường yêu cầu toàn bộ sinh viên phải học online để kịp chương trình, bạn Nguyễn Thùy Trang, sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội cũng phải cố gắng mua một chiếc máy tính xách tay để phục vụ học tập.
“Từ khi Hà Nội công bố có bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19, công ty tôi cũng chuyển sang hình thức làm việc tại nhà. Vì vậy, tôi quyết định tìm mua một chiếc máy tính mới có chức năng ổn định hơn để làm việc. Nhưng trên thị trường có rất nhiều hãng máy tính, giá cả, cấu hình… nên tôi rất phân vân” - Chị Đỗ Bích Thủy, nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang kéo dài, nhiều cửa hàng kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa và người dân phải ở trong nhà hầu hết thời gian thì các thiết bị điện tử lại trở thành vật dụng vô cùng cần thiết để đảm bảo cuộc sống và điều kiện cần để công việc “vận hành” một cách bình thường. Nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ nhu cầu học tập, làm việc là tình trạng chung của rất nhiều người và các gia đình trong thời điểm hiện tại.
Thị trường “sôi động”
Do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao đã khiến thị trường máy tính trở nên sôi động hơn hẳn, mặt hàng máy tính đủ chủng loại, nhãn hiệu, mức giá đa dạng trở thành một trong những sản phẩm được “săn lùng” nhiều nhất trong mùa dịch Covid-19. Từ máy tính để bàn đến máy tính xách tay, máy mới đến máy cũ…
Anh Vũ Hoàng Phương - Quản lý một chi nhánh của Công ty Cổ phần thương mại (CPTM) Máy tính An Phát tại Hà Nội - cho biết: Trong tình hình dịch bệnh lan rộng, nhu cầu học và làm việc tại nhà của người dân tăng cao nên sức mua mặt hàng máy tính cũng tăng. Trong một tháng vừa qua, thống kê số lượng máy tính xách tay của một chi nhánh thuộc công ty bán ra vào khoảng từ 300 - 500 chiếc, đối với các loại máy tính để bàn là khoảng 400 - 600 bộ.
Theo anh Phương, đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên thường lựa chọn sản phẩm có mức giá vừa phải, có giá từ 8 - 10 triệu đồng với tiêu chí máy có cấu hình cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu học trực tuyến, còn những khách hàng có nhu cầu vừa học tập vừa giải trí thì đầu tư bộ máy với mức giá cao hơn với cấu hình cao hơn, dao động trong khoảng 15 - 20 triệu đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, những người đi làm thì ưu tiên tìm kiếm các sản phẩm tối ưu nhất phục vụ công việc như các loại máy tính để bàn có thể kết nối các ứng dụng văn phòng, phần mềm, kết nối hình ảnh… có giá từ 5-10 triệu, còn với những đối tượng khách hàng có nhu cầu cao hơn thì khách hàng sẽ đưa ra các yêu cầu cụ thể.
“Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều nhà cung cấp nước ngoài tạm ngừng sản xuất sản phẩm nên lượng hàng hóa trong đó có các thiết bị điện tử như máy tính có sự sụt giảm, dẫn đến giá thành tăng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân phối trong nước vẫn đang nỗ lực bình ổn giá để khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm với chi phí hợp lý nhất” - Anh Vũ Hoàng Phương cho biết thêm.
Khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội đều cho thấy lượng khách hàng đến mua trực tiếp giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch. Tuy nhiên, thay vào đó khách hàng đổi sang hình thức mua hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại. Do vậy mà thị trường mua bán online các thiết bị điện tử thời điểm này vô cùng “sôi động”.
Hầu hết các cửa hàng đều tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ như: Giao hàng miễn phí đến nhà, sử dụng phần mềm để bảo hành, hỗ trợ cho khách hàng mà không cần phải đến cửa hàng, đưa ra những voucher để khuyến khích khách mua hàng… |