Tốc độ luân chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng
Các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn dịch Covid-19. Các quốc gia thuộc EU đều khẳng định, việc đóng cửa biên giới, cấm người nước ngoài nhập cảnh nhưng hàng hóa vẫn được giao thương bình thường, các hoạt động kiểm soát biên giới không được làm chậm lưu thông hàng hóa.
Theo Bộ Công Thương, quy định này có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa giữa Việt Nam và EU, bởi lẽ quy định chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân; hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế. Dự báo sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn có thể được duy trì.
![]() |
Lệnh đóng cửa biên giới của các nước EU sẽ tác động đến luân chuyển hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này |
Dù vậy, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu XK, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ. Ngoài ra, lượng cung-cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Hàng hóa nhập khẩu (NK) vào các nước EU bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới.
Nhận định về những khó khăn do Covid-19 và ảnh hưởng của việc EU đóng cửa biên giới tới hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), XK của các DN, ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - khẳng định, các DN trên thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, và DN tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dù mặt trái của việc đóng cửa biên giới tác động đến các DN, trong đó có DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng trên tất cả, các DN vẫn phải đặt sức khỏe của người lao động lên hàng đầu.
Kỳ vọng từ EVFTA
Bên cạnh khó khăn, thách thức, theo Bộ Công Thương, thời gian tới, động lực mới cho tăng trưởng XK hàng hóa của Việt Nam có thể đến từ các FTA thế hệ mới, điển hình là Hiệp định EVFTA. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các DN Việt Nam đang kỳ vọng EVFTA sớm được thực thi, giúp mở rộng cửa cho hàng hóa XK vào thị trường EU. Tăng trưởng XK nửa cuối năm 2020 sẽ khả quan hơn do bệnh dịch được đẩy lùi và EVFTA đi vào hiệu lực.
Giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành, có thể nhu cầu thị trường bị giảm sút. Nhưng khi dịch bệnh đi qua thì nhu cầu có thể tăng lên nhiều, nhất là vào thời điểm EVFTA có hiệu lực thì sẽ là cú húych cho DN đẩy mạnh XK trở lại.
Được biết, phía EU đã chủ động xây dựng dự thảo các văn bản thực thi EVFTA trước khi trình Nghị viện châu Âu, nên có thể đưa Hiệp định vào thực thi ngay khi được cả hai bên phê chuẩn. Về phía Việt Nam, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương - cho biết, trong bối cảnh dịch Covid -19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN thì việc tìm giải pháp khắc phục khó khăn khi dịch bệnh qua đi, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới là một nhiệm vụ rất quan trọng. Vì vậy, việc hoàn tất các thủ tục để phê chuẩn EVFTA vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ. Ông Thái hy vọng, Chính phủ sẽ sớm có nghị quyết thông qua hồ sơ này trình sang Chủ tịch nước và kịp trình Quốc hội vào cuối tháng 5 tới. Song song với đó, các bộ, ngành cũng phải thúc đẩy các công đoạn chuẩn bị, trong đó ưu tiên hàng đầu hiện nay là về mặt pháp lý để EVFTA có thể được thực thi ngay khi có hiệu lực. Nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với EU, thì có thể ngay từ thời điểm 1/7/2020, EVFTA chính thức đi vào thực thi.
Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các DN cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch SXKD phù hợp, đồng thời có phương án duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc. |