![]() |
Lĩnh vực thẻ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19 |
Từ thực tế trên, trong bối cảnh cácngân hàng trong nướcnỗ lựcgiảmphí để hỗ trợ khách hàng, rất cần sự "chung tay" của các đối tác hợp tác là tổ chức thanh toán quốc tế. Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm kể từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với mảng thanh toán, doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4/2020, doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ năm trước và giảm 93% so với tháng 3/2020.
Tại một số đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài tháng 3/2020 giảm 80% so với tháng trước, dự kiến sẽ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4/2020 và các tháng tới. Trong một văn bản vừa được gửi tới hai tổ chức thẻ quốc tế (TCTQT) là Visa và MasterCard, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị với 2 tổ chức chiếm thị phần lớn xem xét có chính sách miễn, giảm các loại phí để hỗ trợ ngân hàng tại thị trường Việt Nam. Theo các ngân hàng thương mại, trước mắt, Visa và MasterCard cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm phí cho các ngân hàng (ít nhất trong 12 tháng); về lâu dài, cần xem xét có chính sách phí phù hợp để hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam phát triển ổn định và hiệu quả hơn.
Thực tế, trong cơ cấu phí thu của các TCTQT, phí xử lý giao dịch chiếm phần chủ yếu. Phí xử lý giao dịch của các TCTQT bao gồm nhiều loại phí; trong đó, vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí đối với 1 giao dịch. Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng đã đề nghị TCTQT Visa và MasterCard xem xét trong vòng 12 tháng tới: Giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành (bao gồm cả phí xử lý giao dịch thanh toán thẻ trực tuyển qua các cổng thanh toán quốc tế); áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với một giao dịch; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công…
Từ phản ánh của các ngân hàng thành viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán đang sụt giảm mạnh, dẫn đến việc ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi, không có doanh thu từ phí thanh toán. Trong khi đó, vẫn phải tiếp tục chịu chi phí đầu tư, bảo dưỡng và vận hành hệ thống thanh toán thẻ… Vì vậy, đề nghị Visa và MasterCard giảm mức phí trao đổi (Interchange) cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Mức giảm từ 50% đến miễn phí trao đổi tại các nhóm đơn vị chấp nhận thẻ ở ngành nghề khác nhau như kinh doanh dịch vụ, khách sạn, vận tải, ăn uống hay siêu thị điện máy…
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đề nghị Visa và MasterCard giảm phí trao đổi tại thị trường châu Âu để đảm bảo ngân hàng Việt Nam được đối xử công bằng như ngân hàng thuộc EU và Anh. Trên thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng, các ngân hàng trong nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ khách hàng thông qua giảm phí, thậm chí miễn phí thanh toán.
Theo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhằm chung tay hỗ trợ khách hàng trong đại dịch Covid-19, NAPAS và các ngân hàng thương mại đã đồng hành triển khai liên tiếp 2 chương trình miễn giảm phí chuyển mạch trong năm 2020 gồm: Miễn phí dịch vụ công và miễn/giảm đến 72% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống từ ngày 25/2 đến hết 31/12; miễn/ giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho giao dịch từ trên 500.000 - 2.000.000 đồng từ ngày 25/3 đến hết 31/12/2020.
Tính đến thời điểm này, 100% ngân hàng tham gia mạng lưới NAPAS đã thực hiện các chương trình miễn/giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7. Qua đó, khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm thích ứng với yêu cầu về giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu những tác động của Covid-19 tới sức khỏe của người dân; đồng thời, vẫn duy trì phát triển kinh tế.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nhằm đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng như hạn chế các giao dịch tại quầy, hỗ trợ hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến sử dụng thẻ, TCTQT Visa và MasterCard xem xét có chính sách giảm các phí chi trả cổng thanh toán trong thanh toán trực tuyến (ECOM). Đồng thời, đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng thu phí chồng phí; có chính sách phí ưu đãi đối với các giao dịch trong nước.