Thanh tra, kiểm tra thuế năm 2020: Chỉ thực hiện với trường hợp rủi ro cao

09:14 | 08/05/2020 In bài biết
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 và yêu cầu các cục thuế không thanh tra, kiểm tra đối với DN bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ thực hiện với DN có rủi ro cao về thuế.

Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) - cho biết, thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những hoạt động quan trọng chống thất thu ngân sách nhà nước. Hàng năm, thông qua hoạt động này, đã góp phần tăng thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng, mang lại sự công bằng giữa các DN; góp phần ngăn chặn, răn đe đối với DN vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế... Từ đầu năm 2020, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra cho cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2020 cho các cục thuế.

thanh tra kiem tra thue nam 2020 chi thuc hien voi truong hop rui ro cao

Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Đây là điều nằm ngoài dự kiến đối với Tổng cục Thuế khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2020. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN vượt qua đại dịch Covid-19; trong đó, đối với ngành thuế, có yêu cầu không thanh tra, kiểm tra các DN bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 theo hướng chỉ thực hiện đối với các DN có nguy cơ rủi ro cao. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, bộ phận, đoàn thanh tra, kiểm tra, đội thuế có chức năng thanh tra, kiểm tra. Theo đó, phải phân tích chuyên sâu, dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin điện tử của ngành thuế, kết hợp thông tin từ các cơ quan chức năng và truyền thông, qua đó, xác định chính xác DN có mức độ rủi ro cao, mang dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế... để thanh tra, kiểm tra. Khi thanh tra, kiểm tra, cần tăng cường trao đổi với người nộp thuế bằng cơ sở dữ liệu điện tử; không yêu cầu người nộp thuế cung cấp các thông tin, tài liệu đã kê khai với cơ quan thuế. Lựa chọn các nội dung trọng tâm cần kiểm tra để rút ngắn thời gian thanh tra. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế cho người nộp thuế; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin theo quy định qua hòm thư điện tử (trừ các thông tin, tài liệu mà người nộp thuế đã gửi đến cơ quan thuế)... để rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Trên cơ sở danh sách DN thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 đã được phê duyệt, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế rà soát, tập trung thanh tra, kiểm tra trước DN rủi ro cao. Đối với DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không..., chưa thực hiện ngay mà xem xét, phân tích rủi ro chuyên sâu.

Trên cơ sở đó, báo cáo cơ quan thuế cấp trên điều chỉnh kế hoạch (giãn) thanh tra, kiểm tra đối với các DN có yếu tố rủi ro thấp nhằm giúp DN yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/ CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng là không thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao. Các cục thuế phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, bên cạnh những DN thật sự bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cũng không loại trừ vẫn có những DN lợi dụng chây ỳ hoặc trốn thuế.

Để đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho DN, nhưng vẫn quản lý thuế hiệu quả, Tổng cục Thuế cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác trao đổi nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra nâng cao năng lực, kỹ năng cho công chức làm công tác này phát hiện phương thức, thủ đoạn, hành vi gian lận mới. Qua đó, thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, theo ông Vũ Mạnh Cường, để công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện công bằng, minh bạch, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế quán triệt tới cán bộ, công chức phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, giám sát thanh tra, kiểm tra; thực hiện ghi nhật ký điện tử đầy đủ. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo quyết liệt công tácnhập dữ liệu kết quả thanh tra, kiểmtra hàng tháng vào ứng dụng hỗ trợ theo đúng thời gian quy định; đảm bảo cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất; phân tích rủi ro.

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo quyết liệt công tác nhập dữ liệu kết quả thanh tra, kiểm tra hàng tháng vào ứng dụng hỗ trợ theo đúng thời gian quy định; đảm bảo cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất; phân tích rủi ro.
Lan Ngọc

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/thanh-tra-kiem-tra-thue-nam-2020-chi-thuc-hien-voi-truong-hop-rui-ro-cao-187748.html