Khó khăn đầu ra
Đơn hàng sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm, đang là khó khăn lớn nhất của nhiều DN hiện nay. Theo đó, không chỉ khó khăn với thị trường xuất khẩu (XK), mà ngay tại thị trường nội địa, đơn hàng của DN cũng sụt giảm tới 50%. Thậm chí nhiều DN dù đã phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp, hàng hóa đã vào được siêu thị lớn, song số lượng đơn hàng bán ra cũng chưa mấy khả quan do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bà Phạm Thị Hồng Vân - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Linh Biotech – DN chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe - chia sẻ: Mặc dù sản phẩm của chúng tôi đã vào được các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Satra Food và sắp tới là siêu thị AEON, tuy nhiên số lượng đơn hàng thời điểm này rất ít, chỉ đạt khoảng 40-50% so với trước khi dịch bệnh diễn ra.
![]() |
Doanh nghiệp hưởng ứng hoạt động kích cầu tiêu dùng |
Không chỉ gặp khó đầu ra, bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Đại diện Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP. Hồ Chí Minh) - chia sẻ: Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp hơn 1 tấn rau cho các siêu thị và chuỗi cửa hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm rau sạch thủy canh vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, nên việc tiêu thụ vẫn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng thị trường.
Tương tự HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc, nhiều DN nông sản khẳng định: Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, khâu tiếp thị cũng vô cùng quan trọng. Do đó, cần có sự hỗ trợ của trung tâm xúc tiến thương mại để tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến bán hàng.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm
Từ các khó khăn của DN, Bộ Công Thương nhìn nhận giải pháp gấp rút hiện nay là khơi thông đầu ra cho DN, từ đó giải phóng hàng tồn kho, giúp DN có vốn xoay vòng sản xuất, hồi phục sau đại dịch. Theo đó, Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020” đã được Bộ Công Thương phát động và tổ chức đồng thời trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1- 31/7/2020, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các DN sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Theo Bộ Công Thương, tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế hưởng ứng Chương trình để tổ chức các hoạt động khuyến mại trong thời gian diễn ra sự kiện được áp dụng hạn mức khuyến mại lên đến 100%.
![]() |
Hưởng ứng “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020”, mới đây TP. Cần Thơ đã phát động khuyến mại tập trung với sự tham gia của khoảng 300 DN, hộ kinh doanh với nhiều ngành hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt tiện ích người dân, kể cả các dịnh vụ khách sạn - nhà hàng - du lịch cũng được khuyến khích mời gọi tham gia. Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, hoạt động này nhằm thúc đẩy kinh doanh, từng bước khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế của đất nước theo Nghị quyết số 84/NQ-CT ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Giống như TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020. Chương trình thu hút sự tham gia của gần 500 DN đến từ 29 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, DN tham gia không chỉ mang tới sản phẩm mà còn thực hiện khuyến mãi, giảm giá trên 50% cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, việc thực hiện kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá sẽ giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.
“Sở Công Thương kỳ vọng, Chương trình sẽ hỗ trợ cho các DN tiêu thụ sản phẩm. Từ đó đưa hoạt động sản xuất quay trở lại nhịp độ trước đây, góp phần tăng trưởng kinh tế của TP.Hồ Chí Minh cũng như cả nước”, bà Trang bày tỏ.
Đánh giá cao ý nghĩa và lợi ích từ các hoạt động kích cầu, ông Nguyễn Văn Quyến - Trưởng phòng truyền thông AEON Việt Nam - nhận định: Việc thực hiện các chương tình kích cầu rất có ý nghĩa nhằm hỗ trợ DN, đặc biệt là DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Chương trình đã tạo ra sân chơi - kết nối DN với nhau để tìm hiểu nhu cầu, thông qua đó sẽ tìm được những sản phẩm mới, tốt để giới thiệu đến người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chủ động ứng phó dịch bệnh thì các chương trình kích cầu tiêu dùng, các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa là nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, tạo nền tảng thuận lợi cho sự tăng trưởng trong thời gian tới. |