Hỗ trợ đổi mới máy móc sản xuất
Được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, nên dù là cơ sở mới được thành lập, hộ kinh doanh sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú, huyện Tam Bình) đã được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Bà Nguyễn Thị Trúc Linh - chủ hộ kinh doanh sản xuất và phân phối Tuấn Linh - cho biết, sau khi đầu tư máy móc, thiết bị giúp cơ sở nâng cao năng suất sản phẩm, hạn chế rơi vãi dung dịch sản phẩm, sản phẩm sạch hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gian sản xuất sạch sẽ thoáng mát, nhân công lao động cũng được giảm thiểu tối đa.
![]() |
Ứng dụng máy móc hiện đại giúp nâng cao hiệu quả sản xuất |
Tương tự, Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình, huyện Bình Tân) cũng là một trong số những doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến từ nguồn vốn khuyến công địa phương. Ông Trần Hoàng Đông- Giám đốc công ty - cho biết, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong chế biến rau, củ, quả đã giúp công ty phát triển thành đơn vị điển hình, nâng cao khả năng cạnh tranh, sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao, tiết kiệm nhiên - nguyên - vật liệu, tiến tới xóa bỏ công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy, thời gian qua, Chương trình Khuyến công quốc gia đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở CNNT tại Vĩnh Long thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, Chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở CNNT khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn, tạo ra những giá trị sản xuất chung cho ngành Công Thương.
Bám sát thực tế
Bên cạnh những kết quả đạt được, song theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh đình trệ, nguồn thu bị giảm sút nên việc tư vấn, hướng dẫn các cơ sở CNNT lập đề án và triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn cho các cơ sở, doanh nghiệp. Khó khăn này cũng đồng nghĩa với những dự định đầu tư máy móc, thiết bị vào quy trình sản xuất bị chậm lại.
Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn đều là hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ có tiềm lực tài chính và trình độ tiếp cận khoa học - công nghệ còn hạn chế, nên việc tham gia thực hiện các đề án khuyến công cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Long (Sở Công Thương Vĩnh Long) - thông tin: Do nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công chưa được đầy đủ dẫn tới ảnh hưởng đến sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị. Mặt khác, do nguồn kinh phí khuyến công được bố trí hàng năm và mức hỗ trợ cho các đề án chưa đủ kích thích sự tham gia cơ sở, doanh nghiệp CNNT.
Ngoài ra, mạng lưới chuyên trách thực hiện công tác khuyến công tại địa phương vẫn còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, do đó công tác khảo sát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở CNNT lập đề án và triển khai thực hiện còn gặp nhiều hạn chế.
Do đó, để tỉnh Vĩnh Long đạt mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, thúc đẩy hoạt động khuyến công, thời gian tới, các hoạt động khuyến công tại Vĩnh Long cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công để các cơ sở, doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng.
Bên cạnh đó đó, tỉnh sẽ tập trung tăng chất lượng dịch vụ tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và có hiệu quả, chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên cơ sở cải tiến, phát huy công nghệ hiện hữu…
Thời gian tới, ngành Công Thương Vĩnh Long sẽ thêm “chất” bằng cách hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản phẩm kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp. Cùng với đó là tăng cường công tác bình chọn và tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển; công nhận làng nghề, nghệ nhân... làm cơ sở động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực sản xuất, kinh doanh, tạo uy tín trên thị trường.
Năm 2020, với nguồn kinh phí khuyến công địa phương khoảng 3,4 tỷ đồng, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất gắn với Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương tỉnh về chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống sử dụng nguyên liệu tại địa phương, công nghiệp dệt may - da giày, hóa chất, bao bì đóng gói, công nghiệp hỗ trợ khác… |